Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa ra quyết định xử phạt Công ty trách nhiệm hữu hạn Song Long Đà Lạt (trụ sở tại thôn 1, xã Rô Men, huyện Đam Rông) 164 triệu đồng.
Trong các sai phạm của doanh nghiệp này có hành vi không lắp camera giám sát tại kho chứa, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ, quy định tại khoản 1, Điều 40 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ.
Tại Quyết định số 1101/QĐ-XPVPHC ngày 21/6/2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng xác định doanh nghiệp này còn có các vi phạm khác: không quản lý tốt mốc ngoài thực địa; không lập sổ sách, chứng từ, tài liệu làm căn cứ để xác định sản lượng khai thác khoáng sản thực tế theo quy định; không xây dựng hố lắng nước thải để lắng lọc, ổn định các chất lơ lửng, bùn trước khi thải nước chảy trả lại lòng suối tại vị trí tập kết cát…
Sau khi đoàn công tác của Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, lập biên bản ngày 24/5/2022, doanh nghiệp này đã tự nguyện khai báo và khắc phục hậu quả khôi phục lại mốc ngoài thực địa; lắp đặt camera giám sát tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ; đã lập sổ sách, chứng từ theo Thông tư số 17/2020/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đồng thời, doanh nghiệp đã dừng khai thác và liên hệ với đơn vị tư vấn để xây dựng công trình hồ lắng theo đúng thiết kế được duyệt.
Trước các sai phạm đã diễn ra và xem xét sự tự giác khắc phục hậu quả của doanh nghiệp, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã xử phạt doanh nghiệp này với hình thức cảnh cáo đối với hành vi không lắp đặt camera giám sát.
Doanh nghiệp bị phạt tiền 100 triệu đồng vì hành vi không lập sổ sách, chứng từ, tài liệu làm căn cứ để xác định sản lượng khai thác khoáng sản thực tế; bị phạt 60 triệu đồng đối với hành vi không xây dựng hồ lắng nước thải; bị phạt 4 triệu đồng về hành vi quản lý không tốt, không còn mốc ngoài thực địa.
Tổng hợp các mức phạt, doanh nghiệp phải nộp 164 triệu đồng.
Ngoài ra, Công ty trách nhiệm hữu hạn Song Long còn bị đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường trong thời hạn 3 tháng; phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải hoàn thành xây dựng hồ lắng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận được quyết định.
[Lâm Đồng: Làm rõ vụ núp bóng sản xuất gạch để khai thác cao lanh]
Hiện tại, tình trạng không lắp đặt camera giám sát tại kho chứa, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ hoặc lắp không đúng vị trí xảy ra trên khá nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Đáng chú ý, hoạt động nạo vét lòng hồ thủy lợi, thủy điện, sông suối trên địa bàn tỉnh thực chất là hoạt động khai thác khoáng sản nhưng không cấp phép khai thác khoáng sản mà chỉ được coi là nạo vét, tận thu khoáng sản. Theo quy định, các bãi tập kết khoáng sản tận thu không cần phải lắp camera giám sát.
Kẽ hở này đã khiến cho ngân sách nhà nước bị thất thoát rất nhiều khi không thể thu thuế theo sản lượng khai thác mà chỉ thu theo sản lượng doanh nghiệp tự kê khai từ hoạt động nạo vét và tận thu khoáng sản./.