Vậy, các nhà cung cấp nội dung cần làm gì để "móc hầu bao" người tiêu dùng thế giới?
Vắng nội dung độc quyền
Trước đây, nhiều nhà cung cấp dịch vụ nội dung (Content Provider-CP) kêu than tỷ lệ ăn chia giữa họ và nhà mạng quá thấp, điều này dẫn đến làm giảm khả năng sáng tạo, đầu tư cho sản phẩm mới. Nhưng hiện đã có nhiều thay đổi.
Bằng chứng là tại tọa đàm “Triển vọng viễn thông Việt Nam 2012” do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức cuối tháng 12 vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel tuyên bố, đơn vị này sẵn sàng chia tới 90% cho các CP, miễn là họ phải có sản phẩm mà nhà mạng không làm được.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Ái Việt, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho phóng viên Vietnam+ hay, lý do ăn chia không phải là mấu chốt dẫn đến việc chưa có sản phẩm tốt.
Theo vị chuyên gia này, lý cho chính là việc các CP vẫn nghĩ về những sản phẩm cao xa mà quên đầu tư vào những vấn đề thực tiễn nảy sinh trong cuộc sống.
Nhìn thẳng, ông Hồ Minh Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty Naiscorp [đơn vị cung cấp nội dung Socbay iMedia với hơn 16 triệu lượt tải-pv] cho biết, nội dung số ở Việt Nam mới tập trung vào giải trí như tin tức, âm nhạc, sổ xố, bóng đá, hình ảnh, video và các thông tin về bói toán, tử vi…
Nhìn chung, thông tin từ các sản phẩm nội dung di động này cung cấp tới người tiêu dùng thường na ná giống nhau và rất ít nhà cung cấp dịch vụ có nội dung độc quyền, đặc sắc.
Lý giải nguyên nhân, ông Đức cho rằng hầu hết các CP chủ yếu sưu tập thông tin trên Internet hoặc sưu tầm chứ chưa đầu tư nghiêm túc vào việc mua các nội dung có bản quyền hoặc đầu tư vào sản xuất nội dung.
Và đương nhiên, khi chưa có nội dung tốt thì việc đòi hỏi khách hàng trả tiền là điều không thể.
Một ví dụ từ NokiaStore cho thấy, hiện Việt Nam thuộc “Top” 10 thị trường có lượt tải nhiều nhất trên thế giới của đơn vị này. Song, trong 177 nhà phát triển nội dung có sản phẩm trên NokiaStore đạt trên 1 triệu lượt tải thì Việt Nam chỉ có 4 đơn vị (Naiscorp, VNG, Colorbox và BlueSea).
.
Trao đổi với phóng viên Vietnam+, đại diện của Nokia nói, trong năm 2011 đơn vị này đã làm việc với hơn 130 CP của Việt Nam và hiện NokiaStore có hơn 815 ứng dụng “Made in Việt Nam,” song đa phần là miễn phí.
Phải thay đổi tư duy
Các chuyên gia cho rằng, hiện nay cơ hội của doanh nghiệp nội dung số sẽ trải rộng trong nhiều lĩnh vực (giải trí, y tế, giáo dục, xuất bản...). Tuy nhiên, muốn có những ứng dụng có tầm, thu được lợi nhuận cao cũng như vươn mình ra biển lớn, các CP phải thay đổi tư duy.
Như cách nói của Tiến sĩ Nguyễn Ái Việt thì các CP cần chú trọng đến những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Từ đó sáng tạo những sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết thực của người tiêu dùng.
Ông Hồ Minh Đức cho biết nếu không thay đổi, doanh thu sẽ chỉ tập trung vào các CP lớn và thực tế đã có nhiều đơn vị có doanh thu lèo tèo hoặc phá sản.
Theo ông Đức, bên cạnh việc phát triển cộng đồng, thương hiệu thì nội dung phải thực sự đem lại giá trị cho người sử dụng. Các CP cần nghiên cứu sản phẩm phù hợp với đối tượng khách hàng mình nhắm tới (tâm lý lứa tuổi, giới tính...).
Tiếp theo, CP phải tạo ra những nội dung có yếu tố đặc sắc, độc quyền. Nếu các CP chỉ chăm chăm “hớt váng” các nội dung cũ, thì người dùng sẽ ngày càng rời bỏ. CP tự tạo nội dung độc quyền, có bản quyền thì đó chính là cách tạo doanh thu thông qua các kênh của nhà mạng, khách hàng của CP khác.
Ông Đức cho rằng yếu tố cộng đồng của nội dung là rất quan trọng. Những nội dung do chính người dùng cung cấp, chia sẻ cho nhau bao giờ cũng cuốn hút. Bởi thế, các CP Việt Nam cần tạo ra những sản phẩm hoặc công cụ kết nối với nhau để chia sẻ, đăng tải nội dung như ảnh, thông tin, bình luận… Đó cũng là mục tiêu mà phiên bản iMedia mới của Naiscrop đang hướng tới.
Bên cạnh những yếu tố trên, một điều không thể thiếu trong việc sáng tạo các sản phẩm nội dung số chính là việc thị trường Việt Nam có tới 70% người sử dụng điện thoại di động cấu hình thấp. Do đó, các sản phẩm nội dung phải phù hợp với các dòng điện thoại bình dân này mới mong có được một cộng đồng lớn.
Còn theo đại diện Nokia, với trình độ của mình, các CP Việt Nam hoàn toàn có thể sáng tạo các sản phẩm xuất khẩu trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, bên cạnh các sản phẩm nội dung tốt các CP cần “trang bị” ngôn ngữ tiếng Anh (hoặc tiếng bản địa của thị trường nhắm tới). Điều này sẽ giúp người dùng tiếp cận với sản phẩm một cách thân thiện.
Ngoài ra, các sản phẩm phải có tính mới, sáng tạo và không dập khuôn hoặc “na ná” như các sản phẩm khác.
Ở một góc khác, ông Đỗ Tuấn Anh, admin diễn đàn Appstore.vn cho rằng, việc chia sẻ doanh thu hợp lý giữa các CP và nhà mạng là một yếu tố then chốt để làm bùng nổ ngành công nghiệp nội dung số ở Việt Nam.
Từ đó, ông Tuấn Anh đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan có những chính sách ưu đãi và có quy định về việc “ăn chia” với các CP có nội dung tốt (ví dụ nội dung mang tính giáo dục, y tế thì CP được hưởng nhiều; nội dung sổ xố, bói toán thì được chia ít…). Đó sẽ là đòn bẩy để khuyến khích sự phát triển của ngành cũng như hướng sản phẩm có ích cho người dùng và tránh những tác dụng phụ không mong muốn./.