Làm người tiêu dùng thông minh với thật giả sữa "xách tay"

Trên thị trường hiện nay có sự chênh lệch khá lớn về giá bán mặt hàng sữa ngoại xách tay nhưng không ai dám khẳng định sữa ngoại "xách tay" có chất lượng hoàn toàn tốt.
Khách hàng chọn mua sữa bình ổn giá tại siêu thị Co.op Mart. (Ảnh: Lan Phương/TTXVN)

Trên thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, người tiêu dùng không khó để tìm mua những loại sữa có nhãn hiệu ngoại được quảng cáo là "hàng xách tay."

Trên các trang mạng, “sữa ngoại cao cấp xách tay” cũng là cụm từ được tìm kiếm trên nhiều. Điều này cho thấy sự quan tâm của các bà mẹ với loại hàng này. Với quan niệm cứ hàng ngoại là tốt, nhiều gia đình thường không ngại chuyện giá cao để con em mình được uống sữa ngoại và không ít người tin rằng sữa ngoại xách tay tốt hơn sữa ngoại đăng ký chính thức tại Việt Nam. Thế nhưng, qua tìm hiểu của nhóm phóng viên, không dễ để biết được thực sự các loại sữa "xách tay" từ đâu mà ra.

Sữa "xách tay" : Không thể xác định nguồn gốc

Anh Trần Văn Khang là người có gần 10 năm thâm niên giao sữa ở các đại lý tại Thành phố Hồ Chí Minh. Khi hỏi về sữa ngoại, Khang mở ra cho chúng tôi xem hơn chục website về sữa ngoại xách tay và đưa ra một số hướng dẫn sử dụng loại sữa này.

Theo anh Khang, việc "xách tay" sữa theo đường du lịch chỉ là "muối bỏ biển" so với nhu cầu sữa của thị trường nên sữa "xách tay" đang được rao trên mạng theo những đường khác, nhiều nhất là đường nhập tiểu ngạch và đường hàng hải.||

Với những đường nhập này thì về nguyên tắc vẫn phải tuân thủ các tiêu chuẩn về kiểm định chất lượng Việt Nam trước khi xuất ra thị trường, nếu không có giấy kiểm định thì chất lượng sữa cũng rất khó đoán.

Tuy nhiên, tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện có vô vàn các nhãn sữa xách tay nhập từ Nhật Bản, Australia, Pháp, Nga, Mỹ… cùng những lời tư vấn đầy rẫy trên các diễn đàn. Người tiêu dùng dễ dàng hoa mắt và đưa ra sự lựa chọn cho thương hiệu nào được khen nhiều nhất (trên mạng).

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để bán được sữa ngoại "xách tay," người bán sẵn sàng làm mọi cách. Những chiêu trò về việc lập ra các tài khoản trên mạng để tự khen nhau nhằm tạo dựng uy tín để tăng doanh số bán sữa.

“Là người bán hàng online có lúc em phải lập hơn chục cái nick trên diễn đàn, nhờ những người quen vào comment khen ngợi sản phẩm mình bán là tốt nhất. Chính nội bộ công ty bán sữa xách tay cũng yêu cầu nhân viên làm như vậy. Với họ, bán được hàng mới là mục đích tối thượng,” chị Thu Hương, một nhân viên văn phòng tại quận 1 có trang cá nhân bán sữa và một số sản phẩm xách tay ngoại nhập khác, cho biết.

Giá bát nháo, chất lượng khó lường

Trên thị trường hiện nay có sự chênh lệch khá lớn về giá bán mặt hàng sữa ngoại xách tay.

Thông thường sữa ngoại "xách tay" có giá 400.000-600.000 đồng/hộp, sữa ngoại có đăng ký là 340.000-360.000 đồng/hộp và sữa nội 180.000-220.000 đồng/hộp.

Tuy nhiên, không ai dám khẳng định sữa ngoại "xách tay" có chất lượng hoàn toàn tốt, vượt trội hơn sữa ngoại có giấy phép và sữa nội. Chẳng hạn là loại sữa N cũng của hãng N có giá 360.000 đồng/hộp tại Việt Nam nhưng mức giá này giảm xuống 15-20% khi ở Đài Loan và còn thấp hơn nữa nếu nó có xuất xứ từ Trung Quốc.

Ông Trần Hữu Đức, phụ trách quan hệ đối ngoại Công ty Nutifood, cho biết sữa xách tay bán có lãi hơn so với sữa ngoại nhập chính ngạch vì trốn được thuế. Nếu đã làm các sản phẩm giả mạo thương hiệu thì những nhãn hiệu bán cao giá nhất sẽ bị giả mạo nhiều nhất nhằm trục lợi bất chính lớn nhất. 

“Nhiều người Việt Nam thích hàng ngoại trong khi sữa nội với công nghệ ngoại tương tự chỉ bằng 50-70% so với giá sữa ngoại. Sữa ngoại có bảo hành hơn sữa nội (3 năm so với 2 năm) nhưng chất lượng như nhau. Người Việt vẫn có tâm lý chuộng hàng ngoại nhưng tôi khẳng định chẳng có ai để sữa hơn 2 năm mới uống cả”- ông Đức phân tích.

Vụ việc gần đây nhất vào ngày 26/6, cơ quan chức năng đã lập biên bản về việc sản xuất sữa bột giả tại nhà không có số ở ấp 2A (xã Vĩnh Lộc A). Căn nhà này do một đối tượng tên Lê Tấn Phước thuê để sản xuất những nhãn hiệu sữa ngoại nổi tiếng như Physogrow, Pigo, Gina Milk…

Phước khai công thức sản xuất sữa của cơ sở này là trộn đều hỗn hợp đường hóa học (đường nhạt, đường ngọt), bột sữa, chất tạo béo, hương liệu đều có nguồn gốc từ Trung Quốc vào rồi đóng vào lon, dán các nhãn hiệu nêu trên rồi lừa bán cho mọi loại đối tượng từ trẻ em, người già, người gầy.

Sau vụ việc này, nhiều người tiêu dùng đặt câu hỏi, tại sao một lượng sữa lớn với nhiều nhãn hiệu khác nhau, chất lượng kém được bán trên thị trường mà một thời gian dài cơ quan quản lý thị trường không phát hiện được.

Điều này có nghĩa, đã có rất nhiều người tiêu dùng đã phải bỏ tiền mua phải những loại sữa rởm, không chỉ tổn hại về kinh tế mà nguy hiểm cho sức khỏe.

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã liên lạc với Hiệp hội Sữa Việt Nam về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trước hiện tượng sữa "xách tay," sữa không rõ nguồn gốc, sữa kém chất lượng...

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc và người tiêu dùng khi có câu trả lời từ các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, để tự bảo vệ mình và con trẻ, các bà mẹ khi chọn lựa sữa "xách tay" cho con cần lưu ý một số kỹ năng tối thiểu.

Làm người tiêu dùng thông minh

Các chuyên gia về dinh dưỡng cho biết, muốn phân biệt sữa tốt hay không thì người tiêu dùng có nhiều cách. Cơ bản nhất là xem nguồn gốc, hạn sản xuất, sử dụng. Tiếp đó là xem xuất xứ sản xuất của sữa qua mã vạch: Ví dụ sản xuất tại Mỹ có đầu số dài nhất (000-039), Nhật có 2 đầu số (450-459 và 490-499), Trung Quốc có một đầu số (690-695). 

Ngay cả với những thương hiệu sữa uy tín nhưng hàng hóa vẫn được sản xuất tại Trung Quốc thì cũng không thể vượt qua các quy luật này.

Hạn sử dụng là thứ dễ làm giả nhất và thường được làm giả ngày hết hạn. Nếu thấy có yếu tố cạo sửa và mực in hạn sử dụng bị nhòe thì là sữa giả. Nếu ngày sản xuất và hạn sử dụng không khớp tròn 2 hoặc 3 năm thì chắc chắn hạn sử dụng đã bị can thiệp.

Mặt khác, những người có kinh nghiệm cũng khuyến cáo về việc sữa giả sẽ rất mau tan khi vừa đổ nước ấm vào. Sữa giả cũng không nổi lên như sữa thật mà chìm xuống rất nhanh, có sữa mùi hơi nồng chứ không dễ chịu.

Và có một điều mà sữa giả không thể giống được sữa thật chính là lượng chất xơ trong sữa bởi trẻ em uống sữa giả bao giờ cũng bị tiêu chảy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục