Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) ngày 14/7 công bố số liệu cho thấy tỷ lệ lạm phát của nước này “áp sát” mức cao nhất của 3 năm trong bối cảnh giá tiêu dùng tăng lên khi các biện pháp hạn chế dịch COVID-19 được nới lỏng, làm bùng lên lo ngại về lạm phát.
Theo ONS, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6/2021 đã chạm mức 2,5% so với mức 2,1% trong tháng 5/2021 và là mức cao nhất kể từ tháng 8/2018, trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa trở lại theo từng giai đoạn khiến giá hàng hóa, cũng như giá nhiên liệu động cơ và giá dầu tăng vọt.
Nhà thống kê Jonathan Athow của ONS cho biết lạm phát đã tăng tháng thứ tư liên tiếp lên mức cao nhất trong gần ba năm. Mức tăng này đang lan rộng sang các lĩnh vực khác từ thực phẩm đến xe hơi cũ.
Trong khi đó, mức lạm phát đối với giá nhiên liệu tăng là do tác động tạm thời, bởi giá nhiên liệu tăng phần lớn là do phục hồi từ mức thấp trong đại dịch. Giá quần áo và giày dép tăng cũng tạo thêm sức ép lạm phát.
[Lạm phát ở Anh lên mức cao nhất kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19]
Nền kinh tế Anh dự kiến sẽ mở cửa hoàn toàn vào ngày 19/7 tới, với hầu hết các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ.
Các nhà đầu tư đang trong tình trạng báo động đỏ về lạm phát toàn cầu khi nhu cầu bị tích tụ và giá cả tăng phi mã có thể buộc các nhà hoạch định chính sách tăng lãi suất, gây cản trở đà phục hồi kinh tế.
Tháng trước, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã cảnh báo về mức lạm phát tạm thời của Anh tăng vọt lên 3% khi nền kinh tế mở cửa và vẫn giữ nguyên chính sách tiền tệ. Ngân hàng này không muốn cản trở bất kỳ dấu hiệu phục hồi kinh tế nào với việc tăng lãi suất quá sớm.
Cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đều giữ nguyên mức lãi suất siêu thấp cũng như các biện pháp hỗ trợ kinh tế, đồng thời nhấn mạnh rằng lạm phát cao sẽ chỉ là tạm thời.
Nhiệm vụ chính của BoE là sử dụng chính sách tiền tệ để giữ lạm phát của Anh gần mức mục tiêu 2% mà chính phủ đề ra để “bảo vệ” giá trị đồng bảng Anh./.