Lạm phát tại Indonesia tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2017

Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS) cho biết tỷ lệ lạm phát 3,55% trong tháng Năm vừa qua tại nước này là mức tăng cao nhất kể từ khi đạt đỉnh 3,61% vào tháng 12/2017.
Người dân Indonesia đổ về quê đón lễ Eid al-Fitr ngày 28/4/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 2/6, Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS) cho biết tỷ lệ lạm phát của nước này trong tháng Năm đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2017 trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ xả chay Idul Fitri của người Hồi giáo đã đẩy giá cả tiêu dùng từ thực phẩm đến vé máy bay tăng cao.

Số liệu của BPS cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Indonesia – được tính toán dựa vào giá cả của hàng trăm loại hàng hóa và dịch vụ - đã tăng 3,55% trong tháng 5/2022 so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức 3,47% trong tháng Tư.

Phát biểu họp báo, người đứng đầu BPS, ông Margo Yuwono cho biết tỷ lệ lạm phát 3,55% trong tháng Năm vừa qua là mức tăng cao nhất kể từ khi đạt đỉnh 3,61% vào tháng 12/2017.

Tính theo tháng, lạm phát đã tăng 0,4% trong tháng Năm, thấp hơn mức 0,95% trong tháng Tư.

[Đầu tư và chi tiêu công sẽ thúc đẩy tăng trưởng của Indonesia]

Theo ông Margo, một số nguyên nhân chính khiến lạm phát gia tăng trong tháng Năm bao gồm giá vé vận tải hàng không, trứng gà, cá tươi và hẹ tây.

Số liệu của BPS cho thấy thực phẩm và đồ uống chiếm một nửa mức tăng giá trong tháng Năm, trong khi giao thông vận tải chiếm 1/5.

Indonesia – quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới - đã bắt đầu kỳ nghỉ lễ Idul Fitri kéo dài 10 ngày vào ngày 2/5.

Trước đó, chính phủ đã quyết định cho phép người dân nghỉ lễ về quê (Mudik) sau 2 năm bị cấm do đại dịch COVID-19.

Bộ Giao thông Vận tải Indonesia ước tính hơn 85 triệu người Indonesia đã đổ về quê hoặc đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ dài ngày này, làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ trên khắp quần đảo.

Ông Margo cho biết lạm phát đã được ghi nhận tại 87 trong tổng số 90 thành phố được nghiên cứu, trong đó mức cao nhất tại Tanjung Pandan thuộc tỉnh Quần đảo Bangka-Belitung với 2,24%, và thấp nhất tại Tangerang thuộc tỉnh Banten và Gunungsitoli thuộc tỉnh Bắc Sumatra.

Chỉ duy nhất ba thành phố ghi nhận giảm phát, trong đó có Kotamobagu ở tỉnh Bắc Sulawesi với -0,21% và Merauke ở tỉnh Papua với -0,02%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục