Ngày 19/7, sau bài viết của phóng viên TTXVN với nội dung "Công trình Quốc gia lòng hồ Dầu Tiếng bị xâm lấn nghiêm trọng" ngày 25/6, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương khẩn trương tổ chức kiểm tra, làm rõ thông tin phóng viên phản ánh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương cần báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh giải pháp khắc phục; trả lời thông tin cho phóng viên TTXVN và báo cáo về Tổng cục Thủy lợi để đơn vị kịp thời nắm bắt, chỉ đạo.
Theo văn bản số 2327/BNN-TCTL của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xác định phạm vi và quản lý, sử dụng vùng bán ngập hồ chứa nước Dầu Tiếng, "vùng bán ngập của hồ chứa nước là vùng mặt đất của lòng hồ nằm ở ven bờ thường bị ngập trong mùa lũ, được tính từ cao trình mực nước dâng bình thường đến mực nước lớn nhất kiểm tra" và "vùng ngập thường xuyên là vùng mặt đất của lòng hồ nằm từ mực nước dâng bình thường trở xuống, đây là vùng đất tạo dung tích làm việc của hồ chứa."
"Đất vùng bán ngập là phần diện tích đất thuộc lòng hồ thủy điện, thủy lợi nhưng không bị ngập nước thường xuyên, thời gian ngập nước trong năm tùy thuộc vào quy trình vận hành của từng hồ nhưng không quá sáu tháng, thời điểm ngập nước xác định được."
[Tây Ninh: Bắt ba tàu khai thác cát trái phép ở lòng hồ Dầu Tiếng]
Thời gian hồ Dầu Tiếng được phép tích nước đến mực nước dâng bình thường là 7 tháng (trừ 5 tháng trong mùa lũ), do đó vùng ngập hoàn toàn được xác định từ cao trình +24,4m trở xuống.
Vậy, vùng bán ngập của hồ Dầu Tiếng được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương xác định từ cao trình +24,4m đến +25,1m. Do đó, đất có mặt nước chuyên dùng là hồ chứa thủy lợi được sử dụng kết hợp cho các mục đích khác, nhưng không được san lấp, tôn nền, thay đổi mục đích sử dụng đất trong lòng hồ làm ảnh hưởng đến các đặc trưng kỹ thuật, làm thay đổi quy mô, nhiệm vụ thiết kế của hồ chứa thủy lợi.
Cụ thể, không được san lấp, tôn nền trong lòng hồ, thay đổi mục đích sử dụng đất hồ chứa thủy lợi thành đất ở, đất xây dựng công trình khác, đặc biệt đối với diện tích có cao trình từ +17m đến +24,4m là vùng ngập thường xuyên và vùng đất tạo dung tích làm việc (dung tích hữu ích) của hồ chứa Dầu Tiếng.
Trước đó, phóng viên TTXVN có bài viết phản ánh "Công trình Quốc gia lòng hồ Dầu Tiếng bị xâm lấn nghiêm trọng," khu vực bị san lấp, lấn chiếm thuộc địa bàn xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.
Dù cơ quan chức năng, đơn vị chủ quản của công trình là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa (Công ty Thủy lợi Dầu Tiếng) nhiều lần đến hiện trường lập biên bản yêu cầu dừng san lấp trái phép, tuy nhiên, một số cá nhân vẫn tiếp tục thi công.
Khi mực nước hồ đang xuống thấp, chỉ còn +20,40m, mực nước rút xuống tương đương 4,5m.
Dù Công ty Thủy lợi Dầu Tiếng đã cắm mốc, phân định ranh giới diện tích đất bán ngập của hồ, nhưng các đối tượng lợi dụng mực nước xuống thấp, đưa phương tiện, máy móc vào đào bới, san lấp và làm công trình.
Theo ước lượng ban đầu của đoàn kiểm tra, phần đất bị san lấp có chiều dài khoảng gần chục cây số, rộng từ 100-200m.
Tổng diện tích bị lấn chiếm có thể lên đến khoảng 5-6ha. Công trình sai phạm lấn chiếm đất hồ, san lấp này không có sự cho phép của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Việc lấn chiếm lòng hồ còn ảnh hưởng đến diện tích hồ khiến lòng hồ thu hẹp, thu hẹp diện tích chứa nước.
Ngay sau khi có chỉ đạo của Tổng cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương cho biết đã thành lập đoàn kiểm tra để làm việc với các bên liên quan và kiểm tra về vấn đề trên./.