Công tác xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, phối hợp và thực hiện có hiệu quả.
Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã tạo hành lang pháp lý, nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả trong điều hành hoạt động phòng, chống thiên tai.
Để làm rõ hơn vấn đề này, Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành.
- Thưa ông, công tác xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong trong những năm gần đây được Tổng cục phòng, chống thiên tai thực hiện như thế nào?
Ông Vũ Xuân Thành: Tổng cục đã tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật về phòng, chống thiên tai như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Nghị định 66/NĐ-CP, ngày 6/7/2021 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Nghị định số 78/NĐ-CP của Chính phủ ngày 1/8/2021 về Quỹ phòng, chống thiên tai; Quyết định số 20/2021/QĐ-TTg ngày 3/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và quy định việc quản lý, sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai.
[Đề xuất mô hình ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai]
Thông tư số 04/TT-BNNPTNT ngày 28/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về trình tự thực hiện việc chấp thuận, thẩm định các hoạt động liên quan đến đê điều; Thông tư số 13/2021/TT-BNNPTNT ngày 27/10/2021 quy định đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành, sử dụng các khu khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên thiên nhiên khác, đô thị, du lịch, công nghiệp, di tích lịch sử; điểm du lịch; điểm cư dân nông thôn; công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực, viễn thông và hạ tầng kỹ thuật khác.
Công tác phòng, chống thiên tai ngày càng được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị.
Lần đầu tiên, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai…
Chính phủ đã ban hành Quyết định số 370/QĐ -TTg ngày 17/3/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 6/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030; Quyết định số 987/QĐ-TTg ngày 9/7/2020 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW; Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/7/2021 về xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 173/QĐ-TTg lấy tuần lễ từ ngày 5 - 22/5 hàng năm làm Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai.
Điểm “sáng” trong kiện toàn hệ thống văn bản pháp luật được ban hành thời gian qua đã tháo gỡ được các nút “thắt” trong công tác nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai.
Trong số đó, có việc bổ sung, chế độ chính sách cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai - lực lượng ứng phó ngay từ giờ đầu (bảo hiểm, chế độ tiền lương, tiền công khi được huy động…); quy định đảm bảo nguồn lực và các điều kiện hoạt động cho cơ quan và lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp; vật tư, phương tiện, thiết bị chuyên dùng trong phòng, chống thiên tai...
Bên cạnh đó, đã bổ sung quy định cho phép giao hoặc chỉ định thầu các dự án khắc phục hậu quả thiên tai; quy trình hỗ trợ di dời dân khẩn cấp đảm bảo kịp thời, an toàn cho người dân vùng rủi ro thiên tai cao…
Nội dung phòng, chống thiên tai trong luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện luật được nhiều Bộ, ngành, địa phương quan tâm lồng ghép vào các chiến lược, kế hoạch.
Việc thực hiện phương châm bốn tại chỗ được phát huy và đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về người.
Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã được xác định trong luật đã bước đầu được củng cố kiện toàn theo chỉ đạo của Chính phủ và hoạt động rất hiệu quả, điển hình là hoạt động của lực lượng xung kích trong đợt mưa lũ, sạt lở đất tháng 10/2020 tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.
- Thưa ông, việc triển khai hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai có những thuận lợi và khó khăn gì?
Ông Vũ Xuân Thành: Thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn thi hành, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện.
Trong quá trình tham mưu, soạn thảo, xây dựng luật, các văn bản hướng dẫn thực hiện luật, đặc biệt là Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn thi hành đã phát sinh những vấn đề bất cập, vướng mắc. Lực lượng chuyên trách phòng, chống thiên tai các cấp chưa được kiện toàn.
Bộ máy quản lý hiện có ở cấp tỉnh, thành phố được sắp xếp lại nhưng vẫn hoạt động chủ yếu trong giai đoạn ứng phó thiên tai với tính chất kiêm nhiệm, chưa có đơn vị, bộ phận tham mưu chuyên sâu về phòng ngừa, kiểm soát rủi ro thiên tai.
Cùng với đó là việc chưa hình thành các đội ứng phó thiên tai chuyên nghiệp, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cơ sở chưa được tổ chức, tập huấn, huấn luyện, trang thiết bị phòng, chống thiên tai chưa được đầu tư đúng mức.
Khi có sự cố lớn, việc điều phối, hướng dẫn chuyên môn đối với các lực lượng tham gia xử lý sự cố còn lúng túng, chưa kịp thời; năng lực ứng phó thiên tai đặc biệt là ứng phó giờ đầu khi có tình huống thiên tai còn rất hạn chế.
Tại các Bộ, ngành, địa phương, cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai chủ yếu và kiêm nhiệm, đặc biệt ở nhiều huyện không có cán bộ được đào tạo chuyên môn về đê điều, phòng, chống thiên tai nên chất lượng về tham mưu còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhất là trong tình hình thiên tai cực đoan, nhiều tình huống mới xuất hiện, nhiều giải pháp tham mưu chưa hợp lý dẫn đến chi phí cho các đợt ứng phó với thiên tai thường lớn.
Hầu hết cán bộ cấp xã chưa được đào tạo nên việc triển khai hoạt động ở cơ sở còn khó khăn.
Việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành kinh tế, xã hội của địa phương còn nhiều bất cập và chưa có quy định đủ mạnh để giám sát, kiểm tra trong quá trình thực hiện.
Hiện nay, số lượng công trình, dự án làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai ngày càng nhiều (hệ thống đường giao thông, các khu công nghiệp...lấn chiếm gây cản trở thoát lũ)…
Hiện nay, hầu hết các chính sách tài chính ứng phó với rủi ro thiên tai ở Việt Nam nhằm khắc phục hậu quả sau thiên tai, dựa chủ yếu vào ngân sách nhà nước.
Trong khi nguồn kinh phí từ Ngân sách Nhà nước mới chỉ đáp ứng được một phần tổng thiệt hại hàng năm, ngân sách dành cho đầu tư phát triển sau thiên tai, thảm họa…
Trên cơ sở phân tích những tồn tại hạn chế của luật hiện hành, Tổng cục đã tham mưu, soạn thảo, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều để phù hợp với tình hình hiện nay.
- Trong thời gian tới, Tổng cục Phòng, chống thiên tai sẽ tập trung vào những vấn đề trọng tâm nào trong công tác phòng, chống thiên tai, thưa ông?
Ông Vũ Xuân Thành: Để thực hiên tốt công tác xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Tổng cục Phòng, chống thiên tai tập trung tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác phòng, chống thiên tai đặc biệt là trong điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Trong đó, Tổng cục chú trọng tổ chức triển khai thực hiện nội dung Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về công tác phòng, chống thiên tai, tổ chức sơ kết thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị quyết 76/NQ-CP về công tác phòng, chống thiên tai.
Tổng cục triển khai, thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và luật Đê điều, hoàn thành đúng tiến độ và triển khai có hiệu quả các văn bản dưới luật sau khi ban hành; tham gia xây dựng các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch đô thị, quy hoạch tỉnh, quy hoạch dân cư khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai.
Tổng cục thực hiện tốt nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển của các Bộ, ngành và địa phương gắn với việc triển khai Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh; tăng cường công tác thông tin truyền thông, kết hợp giữa phương thức truyền thống với truyền thông đa phương tiện để truyền tải thông tin chính xác, kịp thời về phòng, chống thiên tai phù hợp với đặc điểm thiên tai của từng vùng, từng đối tượng, chú trọng các đối tượng dễ bị tổn thương.
Tổng cục phòng, chống thiên tai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn dịch bệnh trong các tình huống thiên tai, nhất là tại các nơi có nguy cơ cao; tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Cụ thể, hoàn thiện cơ chế vận hành bảo hiểm rủi ro thiên tai, dịch vụ dự báo, theo dõi, giám sát, phân tích đánh giá tác động rủi ro thiên tai; bố trí dòng tài chính riêng về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; rà soát cơ chế, chính sách, quản lý và bảo vệ rừng tự nhiên; tiếp tục trồng và tái sinh rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển nhằm hạn chế tối đa việc tác động thay đổi trạng thái cân bằng tự nhiên của đồi, núi, sông, suối, dải ven biển.
- Trân trọng cảm ơn ông./.