Na Uy đã lần đầu tiên phát hiện virus cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) ở quần đảo Svalbard, cách Bắc Cực khoảng 1.000km.
Các chuyên gia lo ngại virus có thể lây lan sang các quần thể gia cầm khác ở vùng hẻo lánh này.
Theo thông báo ngày 23/6 của chính quyền quần đảo Svalbard, trong tháng này, nhà chức trách phát hiện một con mòng biển ở thành phố thủ phủ Longyearbyen đã nhiễm HPAI.
[Mỹ phát hiện chủng cúm gia cầm độc lực cao ở trang trại gà tây]
Chuyên gia Knut Madslien tại Viện Thú y Na Uy cho rằng việc phát hiện HPAI ở Svalbard đặc biệt gây quan ngại vì hiện đang là thời điểm nhiều quần thể chim hoang dã dễ bị tổn thương sẽ đẻ trứng và làm tổ.
Ông cảnh báo các loài chim sống chủ yếu trên các vách đá có nguy cơ cao nhiễm HPAI nếu dịch cúm bùng phát ở các đàn chim. Theo Viện Thú y Na Uy, đây là lần đầu tiên HPAI được phát hiện ở Bắc Cực.
Quần đảo Svalbard (Spitzberg) nằm giữa lục địa Na Uy và Bắc Cực. Trước đó, virus cúm gia cầm mới chỉ được phát hiện ở Bắc Âu, trong đó có những vùng ở ngoài Vòng Bắc Cực./.