Giới chức Ấn Độ ngày 3/1 cho biết năm 2022 là năm đầu tiên trong 45 năm qua, không có con tê giác nào bị săn trộm ở bang Assam, miền Đông Bắc nước này.
Trên mạng xã hội, Thủ hiến bang Assam Himanta Biswa Sarma viết: "Không một con tê giác nào bị săn trộm trong năm 2022 và chỉ hai con (bị săn trộm) vào năm 2021, loài động vật to lớn hiền lành này hiện đã an toàn hơn nhiều ở Assam."
[Indonesia chào đón 2 tê giác con Java có nguy cơ tuyệt chủng]
Theo số liệu chính thức, 191 con tê giác đã bị săn trộm ở bang Assam từ năm 2000 đến 2021. Trong giai đoạn này, số lượng tê giác bị giết hại cao nhất là 27 con được ghi nhận vào năm 2013 và 2014.
Tê giác thường bị săn trộm để lấy sừng. Sừng tê giác được đồn đại là có đặc tính chữa bệnh và được coi là biểu tượng của địa vị.
Bang Assam là nơi cư trú của 71% cá thể tê giác một sừng trên toàn thế giới - loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Chính quyền Ấn Độ đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ rằng người dân không nên tin vào khả năng chữa bệnh của sừng tê giác.
Cho tới nay, tác dụng chữa bệnh của sừng tê giác vẫn dựa theo lời đồn đại, truyền miệng chứ chưa có công trình khoa học nào xác định tính hiệu quả của tác dụng này./.