Ngày 19/5, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2019 của các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2019.
Theo kết quả công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt điểm cao nhất 95.4/100 điểm và tiếp tục xếp vị trí thứ nhất. Đây là lần thứ 5 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước xếp vị trí số 1 về cải cách hành chính trong các Bộ, cơ quan ngang bộ.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, mục tiêu xuyên suốt là đẩy mạnh 6 lĩnh vực cải cách hành chính trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước gắn với đổi mới phương thức phục vụ của ngành ngân hàng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và phải tạo chuyển biến rõ nét về cải thiện môi trường kinh doanh trong hoạt động ngân hàng.
[Ngành ngân hàng cắt giảm nhiều thủ tục hành chính hỗ trợ khách hàng]
Trong lĩnh vực cải cách thể chế, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, ban hành quy định mới quản lý hoạt động tín dụng, cho vay của các tổ chức tín dụng...
Ngân hàng Nhà nước cũng hoàn thiện khuôn khổ chính sách tiền tệ, điều hành tỷ giá đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ nguồn vốn trong nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh đã được ngành ngân hàng cắt giảm mạnh mẽ từ giai đoạn triển khai Đề án 30 từ năm 2010 đến nay với hơn 80% thủ tục được cắt giảm, đơn giản hóa đáp ứng tốt yêu cầu giao dịch hành chính đơn giản thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam là một điểm sáng, thể hiện sự quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước trong việc chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch.
Đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, mặc dù cũng là doanh nghiệp, tuy nhiên với tính chất là doanh nghiệp phục vụ, nên Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo phải đẩy mạnh cải cách, đổi mới và xác định đây là một nhóm nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch cải cách hành chính chung của ngành Ngân hàng.
Về định hướng cải cách hành chínhtrong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tiếp tục đẩy mạnh triển khai toàn diện 6 lĩnh vực cải cách hành chính, trọng tâm vào 3 trụ cột đó là cải cách hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa phương thức điều hành; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…/.