Làng nghề đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài (xã Long Hậu, huyện Lai Vung), tỉnh Đồng Tháp ra đời và tồn tại hơn 100 năm qua.
Năm 2021, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên hoạt động sản xuất, mua bán xuồng, ghe nơi đây khá “đìu hiu.” Dù đang vào thời điểm đánh bắt thủy sản mùa nước nổi nhưng số lượng xuồng, ghe tiêu thụ giảm từ 50-70% so với cùng kỳ năm 2020.
Năm 2015, làng nghề đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thời hoàng kim, nơi đây có trên 150 hộ dân và cơ sở đóng xuồng, ghe, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động.
Từ chiếc xuồng cui, theo nhu cầu của thị trường mà những người thợ tài hoa ở rạch Bà Đài đã cho ra đời nhiều loại như: xuồng cui Cần Thơ, xuồng ba lá Long An, xuồng ba lá Tháp Mười, ghe tam bản, ghe bầu Cái Răng…, chủ yếu làm bằng gỗ cây sao vườn.
Những năm gần đây, nước lũ từ thượng nguồn đổ về trễ và ít, nhiều ngư dân không ra đồng đánh bắt thủy sản mùa nước nổi. Vì vậy, lượng xuồng, ghe tiêu thụ ngày càng sụt giảm.
Không ít hộ dân và cơ sở sản xuất, kinh doanh đành bỏ nghề truyền thống của địa phương. Toàn xã Long Hậu còn khoảng 80 hộ gia đình, cơ sở duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh xuồng, ghe.
[Nghệ An: Làng nghề đóng tàu 700 năm chật vật tìm hướng đi giữ nghề]
Ông Võ Văn Bé Mười ngụ xã Long Hậu có thâm niên làm nghề đóng xuồng, ghe 35 năm cho hay: “Trước đây, khi nước lũ còn về nhiều và cá, tôm phong phú; không bị cạnh tranh bởi xuồng làm bằng chất liệu composite thì xuồng của rạch Bà Đài rất được ưa chuộng. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, chúng tôi phải làm việc cả vào buổi tối, đông người, nhộn nhịp, vui lắm. Dần dần, thị trường bị thu hẹp, dù rất buồn nhưng tôi đành phải bỏ nghề.”
Thông thường, khoảng tháng 7 đến tháng 9 âm lịch hàng năm là thời gian xuồng, ghe tiêu thụ mạnh trong tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Kiên Giang… nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, đánh bắt thủy sản mùa nước nổi.
Năm nay, sau gần 3 tháng tạm đóng cửa để phòng, chống dịch COVID-19, gần đây, xã Long Hậu có trên dưới 20 hộ, cơ sở đóng xuồng, ghe đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, đa số đều gặp khó khăn về vấn đề tiêu thụ.
Nước lũ tiếp tục về ít, việc lưu thông giữa các tỉnh được kiểm soát chặt chẽ để phòng dịch COVID-19. Khâu vận chuyển hàng đi tiêu thụ và chở gỗ về để đóng xuồng, ghe (mua ở địa phương khác)… gặp trở ngại.
Bà Trần Thị Bé Năm làm nghề đóng và kinh doanh xuồng, ghe ở xã Long Hậu cho biết: “Năm nay, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, giảm khoảng 70%. Từ đầu mùa lũ đến nay, tôi chỉ nhận được tổng đơn hàng bán hơn 100 chiếc xuồng về tỉnh Bến Tre nhưng chưa thể đi giao hàng cho khách vì dịch COVID-19.”
Theo nhiều người làm nghề đóng và kinh doanh xuồng, ghe ở rạch Bà Đài, giá bán vẫn ổn định, xuồng rộng 1-1,4m có giá dao động từ 1,3-2,1 triệu đồng. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận của người bán chưa được 100 ngàn đồng/chiếc.
Xuồng, ghe phục vụ nhu cầu đi lại giảm, để duy trì, gìn giữ nghề truyền thống, một số người tìm hướng đi mới. Đó là sản xuất xuồng, ghe mini để bán cho khách hàng trưng bày, làm quà lưu niệm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên khâu tiêu thụ mặt hàng này cũng gặp khó khăn./.