Chương trình chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo sang trồng cây cao su trên đất Gia Lai đã được thực hiện trong nhiều năm qua, song đến nay mới đạt hơn 51% kế hoạch, không những gây lãng phí về tài nguyên mà còn ảnh hưởng đến đời sống xã hội ở các vùng có dự án trồng cao su.
Điều đáng chú ý là nhiều diện tích cao su mới trồng đạt tỷ lệ cây sống thấp, chất lượng chưa cao; có một số vườn cây bị chết... do không phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của từng tiểu vùng. Hơn thế nữa, do giá mủ cao su bị giảm mạnh, các chủ doanh nghiệp không còn mặn mà và không thực hiện đầu tư chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật thâm canh. Do đó, cả nghìn ha đã được khai hoang nhưng vẫn bỏ trống.
Trên địa bàn huyện Chư Pưh, Ủy ban Nhân dân tỉnh giao quỹ đất cao su hơn 6.000ha cho bảy doanh nghiệp, nhưng cũng chỉ mới trồng được khoảng 4.400ha; trong đó có 600ha cao su mới trồng đã bị chết.
Tại huyện Đức Cơ, hai công ty được giao đất rừng nghèo sang trồng cây cao su với tổng diện tích 1.780ha, đến nay đã trồng được 1.500ha; trong đó phần lớn diện tích cao su của Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức được bố trí trên đất rừng khộp, nghèo dinh dưỡng, nền đất pha cát xen lẫn đá sỏi, tầng đất canh tác mỏng, một số lô có tầng đá bàn dày... nên tỷ lệ cây trồng sống dưới 85%. Một số vườn cây của đơn vị đã trồng từ năm 2008 nhưng đường kính thân cây chưa đảm bảo để cho khai thác mủ.
Địa bàn huyện Ia Pa có dự án trồng cao su do Công ty cổ phần trồng rừng công nghiệp Gia Lai (thuộc Công ty Hoàng Anh Gia Lai) được tỉnh giao quỹ đất hơn 1.500ha nhưng mới trồng được khoảng 800ha; trong đó diện tích cao su bị chết 50ha, nhiều diện tích khác kém phát triển.
Trước thực trạng đó, một số doanh nghiệp không tiếp tục đầu tư trồng mới đã chủ động chuyển sang trồng một số loại cây trồng khác để giải quyết có thêm nguồn thu trước mắt. Cụ thể, Công ty cổ phần trồng rừng Công nghiệp Gia Lai đã trồng 34ha mía, trồng cỏ lai để chăn nuôi 40ha... Tuy nhiên, việc làm này là không đúng mục đích sử dụng của việc giao đất. Trong khi đó, các doanh nghiệp cho rằng, nếu không tự chuyển đổi để sinh lợi trước mắt thì không phát huy được tài nguyên và hơn nữa dễ bị người dân lấn chiếm.
Theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nếu các đơn vị đã thực hiện việc chuyển đổi rừng sang trồng cao su, nhưng không trồng được thì phải trồng lại rừng trên diện tích mà đơn vị khai hoang chứ không được trồng các loại cây khác. Thế nhưng, trồng rừng bằng loại cây gì cho phù hợp với thổ nhưỡng và tiểu vùng khí hậu thì công tác khảo sát, nghiên cứu của các ngành chức năng chưa được triển khai thực hiện nên các doanh nghiệp chưa có cơ sở để chuyển đổi và đang chờ chủ trương./.