Lặng thầm sau những dòng tin: Điện báo viên luôn bám sát trận địa

Lực lượng kỹ thuật viên, điện báo viên của Thông tấn xã Giải phóng luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ lên đường, tham gia hành quân, có mặt tại các mặt trận; luôn trong trạng thái “sẵn sàng chiến đấu."
Lặng thầm sau những dòng tin: Điện báo viên luôn bám sát trận địa ảnh 1Tổ điện báo Thông tấn xã Giải phóng điện tin từ mặt trận về căn cứ. (Ảnh: TTXVN)

Là một phần không thể thiếu trong bộ ba thông tin (gồm phóng viên tin, phóng viên ảnh và kỹ thuật viên, điện báo viên) của Thông tấn xã Giải phóng giữa chiến trường, những kỹ thuật viên, điện báo viên cũng luôn xông pha, bám sát các cánh quân, trận địa để kịp thời, khắc phục mọi khó khăn để có thể truyền thông tin về căn cứ một cách nhanh nhất có thể.

Ở căn cứ, họ cũng luôn sẵn sàng di chuyển, vừa thu phát tin, đảm bảo mạch thông tin vô tuyến luôn thông suốt.

Có mặt ở mọi chiến trường

Năm 1969, Thông tấn xã Giải phóng có gần 200 phóng viên, điện báo viên hoạt động ở chiến khu R (Tây Ninh) và các tỉnh lân cận vùng Sài Gòn hay giáp ranh biên giới Campuchia như Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang...

Theo nhà báo Hà Huy Hiệp - nguyên Trưởng Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động của các phóng viên, điện báo viên giai đoạn này thường gắn kết với các đoàn quân giải phóng để kịp thời thông tin tuyên truyền, cổ vũ; giới thiệu các gương điển hình và cả hoạt động dân quân phối hợp với quân giải phóng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Số lượng phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên… của Thông tấn xã Giải phóng thường xuyên biến động mạnh do nhiều người hy sinh và sau đó lại được tăng cường.

Lực lượng ban đầu chủ yếu là cán bộ tại chỗ của các đơn vị thuộc Xứ ủy Nam Bộ và sau đó là của Trung ương Cục miền Nam.

Từ năm 1965 trở đi, nhân lực Thông tấn xã Giải phóng tăng nhanh cả về mảng thông tin cũng như về kỹ thuật nhờ các nguồn: tuyển từ Ban Tuyên huấn các khu, tỉnh-thành, đào tạo và bồi dưỡng tại chỗ và đặc biệt là nguồn tăng viện từ Việt Nam Thông tấn xã từ Hà Nội đưa vào các năm 1965, 1966, 1973.

Không một chiến trường, không một hướng tiến quân, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng. Có thể nói, ở đâu có trận đánh là ở đó Thông tấn xã Giải phóng có mặt. Tin, ảnh của Thông tấn xã Giải phóng nóng hổi tính thời sự, thông tin kịp thời những thành tích của quân và dân ta. Và góp phần không nhỏ vào sự “nóng hổi” đó có sự đóng góp rất quan trọng nhưng thầm lặng, đó là những kỹ thuật viên, điện báo viên - những “cầu nối” đưa tin từ chiến trường về hậu phương.

Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, địch chà đi xát lại, có nơi phải bám vào dân, phải vừa tăng gia sản xuất, vừa làm nhiệm vụ thông tin, vừa chống địch càn vào căn cứ, nhiều kỹ thuật viên, điện báo viên đã cùng với các phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng có mặt ngay trong các trận chống càn, các trận diệt bốt, phá kìm, phá ấp chiến lược của địch như mặt trận Ấp Bắc (tỉnh Mỹ Tho - Tiền Giang ngày nay); chiến thắng Bình Giã, Phước Tuy (12/1964)...

Rồi trong các chiến dịch Cần Đâm, Cần Lê, Đường 13... trong Chiến dịch mùa khô lần thứ nhất 1965-1966; các chiến dịch Attleboro, Gasden, Cedar Falls... trong Chiến dịch mùa khô lần thứ hai 1966-1967.

Sau mỗi trận đánh, chụp ảnh xong, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng phải xuống ngay hầm chữ A, chui vào trong màn tráng phim, in ảnh để tránh muỗi bám vào phim làm hỏng ảnh...

Hình ảnh phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên của Thông tấn xã Giải phóng tác nghiệp trong mưa bom, bão đạn trên chiến trường để có ngay những dòng tin nóng, những bức ảnh còn khét mùi thuốc súng không còn xa lạ với những người tham gia các trận đánh cũng như các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước.

Sẵn sàng hy sinh để duy trì làn sóng điện

Là lực lượng quan trọng, lực lượng kỹ thuật viên, điện báo viên luôn luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ lên đường, tham gia hành quân, có mặt tại các mặt trận. Tất cả luôn luôn trong trạng thái “sẵn sàng chiến đấu."

Trong quá trình tham gia các chiến dịch, thực hiện nhiệm vụ tại căn cứ, nhiều cán bộ kỹ thuật viên, điện báo viên đã anh dũng hy sinh, ngã xuống để làn sóng điện không bị tắt.

Lặng thầm sau những dòng tin: Điện báo viên luôn bám sát trận địa ảnh 2Phóng viên Thông tấn xã Giải phóng (nay là TTXVN) trong trận chống càn Junction City (1967). (Nguồn: Tư liệu TTXVN)

Năm 1967, Mỹ mở trận càn quét lớn nhất của ở miền Nam có tên Junction City với 45.000 quân nhằm triệt phá Trung ương cục miền Nam nhưng bất thành.

Vào thời điểm đó, Thông tấn xã Giải phóng đã cử tổ phóng viên tin gồm Nguyễn Văn Đàm, Nguyễn Trọng Linh, Trần Ấm và phóng viên ảnh Nguyễn Đặng cùng tổ điện báo do nhà báo Nguyễn Thế Quỳnh làm tổ trưởng đi theo các mũi tiến quân của quân giải phóng, kịp thời đưa tin thắng trận của quân và dân ta về chiến khu R.

Nhiều điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng nhớ lại, có ngày tổ điện báo lên máy 3 lần vẫn chưa phát hết tin, bài. Chỉ riêng tổ điện báo trong chiến dịch này đã 15 lần bị địch đánh bom nên phải di chuyển, thay đổi nơi phát tín hiệu liên tục.

Trong suốt quá trình hoạt động của mình, đội ngũ Thông tấn xã Giải phóng có nhiều trường hợp hy sinh cả tập thể, rất thương tâm. Đó là trường hợp Phân xã Kiến Tường (nay là Long An) 3 lần bị địch hủy diệt, hàng chục đồng chí hy sinh năm 1968.

Phân xã Rạch Giá (Kiên Giang) 5 lần bị địch giết hại toàn bộ phóng viên, kỹ thuật viên (tổng cộng 16 đồng chí hy sinh, số liệu chưa xác minh đủ).

Lặng thầm sau những dòng tin: Điện báo viên luôn bám sát trận địa ảnh 3Điện báo viên B8 (Thông tấn xã Giải phóng) đang thu phát tin. (Ảnh: TTXVN)

Phân xã Nam Tây Nguyên (khu X) có 5/6 đồng chí cùng hy sinh do bom địch năm 1969. Phân xã Nam Trung Bộ cũng có 4 cán bộ, phóng viên hy sinh vì bom đạn của địch.

Tại chiến trường Khu V, ngoài sự hy sinh vì đạn bom quân thù, nhiều phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng đã ra đi mãi mãi bởi thiên tai, dịch bệnh trong lúc làm nhiệm vụ. Kỹ thuật viên buồng tối Đỗ Văn Nhân bị thương trong những ngày ác liệt của tuyến lửa Nam Khu IV cuối năm 1967.

[Lặng thầm sau những dòng tin: Vượt khó hoàn thành nhiệm vụ]

Vết thương chưa lành miệng, tháng 4/1968, anh cùng một số phóng viên khác đi vào chiến trường Trung Trung Bộ. Cuối tháng 2/1969, anh phải nằm điều trị tại bệnh xá Phân khu. Kỹ thuật viên Phạm Thị Đệ hy sinh vì bị lũ cuốn trôi trên đường đi làm nhiệm vụ qua sông Trà Nô mùa lũ dữ.

Nhà báo Đoàn Văn Thiều bùi ngùi nhớ lại: Thời điểm những năm 60-70 rất khốc liệt, anh em bị thương bị hy sinh rất nhiều, nhất là các đồng chí xuống các mũi, các địa phương ở khu 4, khu 5, vùng Đông Bắc. Phần lớn là do trúng bom, trúng pháo.

"Nhóm anh em điện báo viên thời đầu bị hy sinh mất mấy người khi đi mũi như anh Tùng, anh Huệ, anh Hưởng, anh Đệ... Bộ phận điện báo của chúng tôi ở cứ thì bị đánh bom nhiều lần vì là nơi phát sóng, nhưng cũng may bom thời đó không chính xác, nên anh em chưa lần nào bị dính bom. Nhưng những đơn vị khác như văn phòng, biên tập thì lại vô tình hứng bom. Hy sinh mất mát thời chiến tranh là không thể tránh. Chỉ thương anh em hy sinh khi đều còn rất trẻ.”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục