Lãnh đạo Anh và Mỹ công bố kế hoạch thăm lẫn nhau

Ngày 13/3, Thủ tướng Anh Rishi Sunak thông báo sẽ tới thăm Mỹ vào tháng 6 tới theo lời mời của Tổng thống Joe Biden. Trong khi đó, ông chủ Nhà Trắng cũng thể hiện ý định tới vùng lãnh thổ Bắc Ireland
Lãnh đạo Anh và Mỹ công bố kế hoạch thăm lẫn nhau ảnh 1Thủ tướng Anh Rishi Sunak. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/3, Thủ tướng Anh Rishi Sunak thông báo sẽ tới thăm Mỹ vào tháng 6 tới theo lời mời của Tổng thống Joe Biden. Trong khi đó, ông chủ Nhà Trắng cũng thể hiện ý định tới vùng lãnh thổ Bắc Ireland của Anh vào tháng 4 tới.

Phát biểu với các phóng viên tại San Diego (Mỹ), Thủ tướng Sunak cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ có nhiều cơ hội tiếp xúc trong vài tháng tới. Ông Sunak đã tới San Diego cùng với Tổng thống Biden và Thủ tướng Australia Anthony Albanese để công bố chi tiết của kế hoạch cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho Canberra trong khuôn khổ Hiệp ước Đối tác an ninh tăng cường 3 bên (AUKUS).

Trong khi đó, Nhà Trắng cũng đưa ra thông báo nêu rõ hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tầm quan trọng của việc tiếp tục làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ và bền vững giữa Anh và Mỹ. Đây sẽ tiếp tục là chủ đề được thảo luận trong chuyến thăm Mỹ tháng 6 tới của Thủ tướng Sunak.

[Anh, Mỹ tiếp tục đàm phán về thỏa thuận thương mại hậu Brexit]

Tổng thống Joe Biden cũng cho biết đã nhận lời mời của Thủ tướng Sunak đến thăm vùng lãnh thổ Bắc Ireland trong tháng 4 nhân kỷ niệm 25 năm ký kết Hiệp ước Ngày thứ Sáu tốt lành giúp khôi phục ổn định tại vùng này.

Trước đó, nhà lãnh đạo Anh đã đưa ra lời mời nêu trên khi phát biểu mở đầu hội nghị thượng đỉnh 3 nước đối tác AUKUS tại San Diego. Đáp lại, Tổng thống Biden cho biết có ý định tới Bắc Ireland và CH Ireland.

Hiệp ước Ngày thứ Sáu tốt lành đã giúp chấm dứt thời kỳ xung đột kéo dài 3 thập kỷ tại Bắc Ireland từ những năm 1960 giữa phe ủng hộ vùng này là một phần của Vương quốc Anh và phe ủng hộ sáp nhập vào CH Ireland. Hiệp ước được ký kết ngày 10/4/1998, trong đó chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đóng vai trò trung gian./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.