Lãnh đạo Bộ Khoa học chỉ ra điểm tồn tại của doanh nghiệp start-up

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, điểm yếu nhất của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là kỹ năng khởi nghiệp.
Lãnh đạo Bộ Khoa học chỉ ra điểm tồn tại của doanh nghiệp start-up ảnh 1Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, việc kết nối rất quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp. (Nguồn: KHCN)

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, điểm yếu nhất của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là kỹ năng khởi nghiệp.

Với thông điệp “Kết nối khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia diễn ra trong các ngày 14-15/11 được kỳ vọng sẽ kết nối chặt chẽ các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp, giúp họ có thêm kỹ năng, cơ hội để khởi nghiệp thành công.

- Thưa Thứ trưởng, hiện nay phong trào khởi nghiệp đang diễn ra khá mạnh mẽ. Thế nhưng, có ý kiến cho rằng hiện chúng ta đang thiếu sự kết nối trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Với vai trò của mình, Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang làm gì để giải quyết vấn đề này?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thì việc kết nối là quan trọng. Trong đề án 844 [Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025-pv] có một nội dung là xây dựng cổng thông tin kết nối. Đây là hệ thống có thể kết nối giữa những người làm khởi nghiệp với các nhà đầu tư, với cơ sở ươm tạo khởi nghiệp.

Để triển khai việc này, chúng tôi đã thành lập Ban chỉ đạo Đề án 844 gồm thành phần thuộc các Bộ, ngành, địa phương, một số hiệp hội, các tổ chức chính trị xã hội... Các thành phần đầy đủ này sẽ giúp cho việc chỉ đạo, điều hành, triển khai ở các lĩnh vực khác nhau được nhanh chóng... Qua theo dõi, chúng tôi thấy các đơn vị đã chủ động triển khai hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các ngành, lĩnh vực của mình.

Tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2017 (Techfest), chúng tôi sẽ ra mắt Cổng thông tin kết nối. Đây là nơi kết nối giữa những người làm khởi nghiệp với các nhà đầu tư, cơ sở ươm tạo cũng như các kết quả nghiên cứu, công nghệ đang được chuyển giao vào Việt Nam. Đây cũng là “kho sáng chế”với hàng vạn sáng chế trong và ngoài nước để những người khởi nghiệp có thể học hỏi và tham khảo.

Ngoài ra, Cổng thông tin này cũng sẽ tập hợp đầy đủ các văn bản chính sách của Nhà nước, như các thủ tục để thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp như thế nào, các bước khi tiến hànhkhởi nghiệp có thể tìm ở đâu, danh sách các chuyên gia… Đây là giải pháp quan trọng giúp cho các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp có thể kết nối được với nhau cũng như kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước với khu vực và thế giới.

- Hiện nay, có tình trạng nhà nhà làm khởi nghiệp. Chúng ta có cần một “tổng chỉ huy” cho việc này không?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Chúng ta đã có Ban chỉ đạo. Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ làm cơ quan đầu mối để chủ trì việc này. Chúng tôi đã kết hợp rất chặt chẽ với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, các địa phương trên cả nước.

Không phải chúng ta làm tự do, tự phát mà trong quá trình khởi nghiệp, chúng ta phải có kiến thức, kỹ năng và những việc đó đã được rèn luyện, phổ biến ở trong các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, trung tâm ươm tạo.

Ví dụ như chương trình Vietnam Silicon Valley, toàn bộ giáo trình được tiếp thu từ các trường đại học của Mỹ. Chúng ta đã mua và chuyển giao, đào tạo cho những người làm khởi nghiệp theo mô hình của Mỹ, Israel, Phần Lan… Chúng ta làm khởi nghiệp theo mô hình của nhiều nước trên thế giới. Điều cần là phải làm sao để người Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp, dám chấp nhận rủi ro, thất bại để có được thành công trong quá trình khởi nghiệp của mình.

- Theo Thứ trưởng, điểm yếu nhất của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay là gì?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Đó là kỹ năng khởi nghiệp. Những điều này phải được đào tạo, bồi dưỡng từ những doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, từ các chuyên gia giỏi…

Trong Đề án 844, chúng tôi tập trung rất nhiều vào đào tạo và nâng cao kỹ năng, kể cả kỹ năng của người làm đầu tư. Ví dụ doanh nghiệp thành công phải có sản phẩm đưa ra ngoài thị trường, phải nắm được thị phần để làm sao thành công, thu được tiền từ thị trường và kêu được đầu tư của các quỹ đầu tư cho hoạt động của mình.

Lãnh đạo Bộ Khoa học chỉ ra điểm tồn tại của doanh nghiệp start-up ảnh 2Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

- Một số chuyên gia cho rằng, để hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển thì rất cần quỹ đầu tư mạo hiểm. Vậy, việc thành lập các quỹ này hiện nay tại Việt Nam như thế nào?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Đây là vấn đề mà cả cộng đồng khởi nghiệp quan tâm. Điều này đã được đưa vào Luật doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay chúng tôi đang đưa vào nội dung để hướng dẫn, thành lập, hoạt động quỹ để hỗ trợ cho người làm khởi nghiệp.

Nếu như trước đây không có quy định hỗ trợ của Luật, nếu Nhà nước bỏ ra dù là rất ít tiền cho doanh nghiệp khởi nghiệp, mà trong 100 dự án có khoảng 5-6 dự án thành công thì người ta sẽ nói rằng tiền của Nhà nước bỏ ra không hiệu quả. Thậm chí nơi quản lý nguồn quỹ đó bị cho là vi phạm pháp luật.

Nhưng người ta không biết rằng, 5-6 dự án đó thành công sẽ mang lại hiệu quả cao bù lại so với 95 dự án kia thất bại.

Vấn đề này đang được đưa ra trong các quy chế hướng dẫn Luật và tôi tin rằng, khuôn khổ pháp lý sẽ thuận lợi, thu hút nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như các trung tâm ươm tạo một cách hiệu quả.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục