Lãnh đạo Công đảng đối lập tại Anh công bố cương lĩnh tranh cử

Lãnh đạo Công đảng đối lập tại Anh đã công bố cương lĩnh tranh cử, mở màn tuần công bố cương lĩnh tranh cử của các chính đảng trước ngày diễn ra cuộc tổng tuyển cử 7/5 tới.
Lãnh đạo Công đảng đối lập tại Anh công bố cương lĩnh tranh cử ảnh 1Lãnh đạo Công đảng đối lập tại Anh Ed Miliband. (Nguồn: evan-bartlett.com)

Ngày 13/4, lãnh đạo Công đảng đối lập tại Anh Ed Miliband đã công bố cương lĩnh tranh cử của đảng này tại một sự kiện được tổ chức ở thành phố Manchester, mở màn tuần công bố cương lĩnh tranh cử của hàng loạt chính đảng trước ngày diễn ra cuộc tổng tuyển cử 7/5 tới.

Cương lĩnh tranh cử với tựa đề "Nước Anh có thể tốt hơn" của Công đảng tập trung vào các vấn đề mang tính đối nội nhiều hơn như cam kết tăng lương tối thiểu thêm hơn 8% vào tháng 10/2019; không tăng thuế thu nhập và thuế giá trị gia tăng, giảm học phí đại học xuống 6.000 bảng/năm; "đóng băng" giá năng lượng vào năm 2017; "đóng băng" thuế doanh nghiệp cho nửa triệu doanh nghiệp nhỏ; chấm dứt tình trạng lạm dụng hợp đồng "không giờ" nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động; mở dịch vụ quốc gia trông trẻ miễn phí để hỗ trợ các gia đình có con nhỏ mà bố mẹ đều đi làm... Ngoài ra, cương lĩnh này còn đề cập một số vấn đề khác liên quan đến kế hoạch xã hội hóa Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS), thuế thu nhập, giá cước vận tải...

Phản ứng sau khi Công đảng công bố cương lĩnh tranh cử, cả Thủ tướng Anh David Cameron và Bộ trưởng Tài chính George Osborne đều cho rằng kế hoạch kinh tế của lãnh đạo Công đảng là "không đáng tin cậy" và sẽ đưa nước Anh trở lại quá khứ chi tiêu và vay mượn tràn lan. Trong khi đó, ông Danny Alexander, quan chức thuộc đảng Dân chủ Tự do (Lib Dem) trong liên minh cầm quyền cho rằng Công đảng sẽ không thể thực hiện các vấn đề ưu tiên này mà không sa vào tình trạng vay mượn hơn nữa, dẫn đến nợ công của Anh lại phình to.

Một số nhà phân tích cho rằng cương lĩnh tranh cử của Công đảng thiếu phần đề cập tới cam kết duy trì chi tiêu quốc phòng tương đương 2% tổng sản phẩm nội địa (GDP) mà Anh đã đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương tháng Chín năm ngoái. Không có cam kết này, xem như Bộ Quốc phòng sẽ là một trong những cơ quan chính phủ phải đối mặt với sự cắt giảm lớn nhất nếu Công đảng thắng cử.

Ngày 7/5 tới, cử tri Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland sẽ đi bỏ phiếu bầu Hạ viện 650 ghế, đại diện 650 đơn vị bầu cử trên toàn quốc. Trong đó, xứ England chiếm nhiều nhất với 533 ghế, tiếp theo là Scotland 59 ghế, Wales 40 ghế và Bắc Ireland 18 ghế. Chính đảng giành được nhiều ghế nhất tại Hạ viện sau kỳ bầu cử sẽ thành lập chính phủ mới, và lãnh đạo đảng đó sẽ trở thành Thủ tướng. Trong trường hợp không đảng nào giành được đa số phiếu (326 ghế) thì tình thế được gọi là "Quốc hội treo". Khi đó, đảng giành được nhiều ghế nhất có thể thành lập chính phủ thiểu số, hoặc liên kết với một hoặc một số đảng khác để tạo thành chính phủ liên minh.

Ở kỳ bầu cử gần đây nhất vào năm 2010, đảng Bảo thủ giành được nhiều phiếu nhất nhưng không đủ đa số nên đã liên kết với đảng Dân chủ Tự do (Lib Dem) để lập ra chính phủ liên minh đầu tiên trong lịch sử bầu cử Anh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.