Lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội lên tiếng trước tranh cãi về đề thi

“Bộ trưởng Bộ Tư pháp tên là gì?”, “Thạch Sanh quê ở đâu?”… đó là những câu hỏi được cho là đã được Đại học Quốc gia Hà Nội sử dụng trong kỳ thi đánh giá năng lực do đơn vị này tổ chức.
Lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội lên tiếng trước tranh cãi về đề thi ảnh 1Ông Sái Công Hồng. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

“Bộ trưởng Bộ Tư pháp tên là gì?”, “Thạch Sanh quê ở đâu?”… đó là những câu hỏi được cho là đã được Đại học Quốc gia Hà Nội sử dụng trong kỳ thi đánh giá năng lực do đơn vị này tổ chức, đang khiến dư luận xôn xao. 

Trước những thông tin băn khoăn về đề thi, lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội lại khuyến cáo thí sinh không tiết lộ đề và khẳng định cả đề thi và đáp án đều là bí mật. Điều này càng khiến cho những băn khoăn của dư luận được đẩy lên cao.

Đề và đáp án là tài sản

Trao đổi với phóng viên, ông Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội, người trực tiếp tổ chức thực hiện ngân hàng đề thi đánh giá năng lực cho biết Đại học Quốc gia Hà Nội có lý do để không công bố đề thi.

Cụ thể, theo ông Hồng, với kỳ thi đánh giá năng lực, đề thi được sử dụng lại nhiều lần nên không thể công bố được. 

“Năm nay có 70.000 thí sinh dự thi là có 70.000 bài thi, mỗi đề 180 câu hỏi. Nếu công bố đề thi và đáp án thì không còn câu hỏi trong ngân hàng đề nữa. Trong khi đó, chúng tôi xây dựng ngân hàng đề vô cùng tốn kém và vất vả, công phu, mất nhiều thời gian với sự tham gia của cả trăm người,” ông Hồng nói. 

Cũng theo ông Hồng, đây không phải là đề thi thông thường mà là đề thi chuẩn hóa nên có ma trận đề và được thử nghiệm.

Mỗi câu hỏi phải qua 13 vòng sàng lọc, thử nghiệm mới đủ tiêu chuẩn để đưa vào ngân hàng câu hỏi đề thi. Từ một câu hỏi thô ban đầu phải được các chuyên gia thẩm định độc lập trên nhiều góc độ như về chuyên môn có đúng không, về văn hóa có phù hợp không, về kỹ thuật khảo thí có đạt yêu cầu không, chuyên gia ngôn ngữ đọc soát xem có vấn đề ngữ nghĩa không, có đơn giá trị không không. Các vòng thẩm định này là hoàn toàn độc lập, được thực hiện trên internet bởi các chuyên gia khác nhau nên hoàn toàn khách quan. 

Các câu hỏi sau các bước sàng lọc của nhiều chuyên gia được đưa câu hỏi cho thí sinh ở 10 tỉnh khác nhau làm bài thi, đại diện cho các nhóm đối tượng khác nhau, từ học sinh nông thôn đến thành thị, vùng khó khăn. Phần mềm khảo thí chuyên dụng sẽ phân tích các kết quả bài làm của thí sinh để thấy được đặc tính chuyên dụng của câu hỏi, câu nào dễ, câu nào khó và phân loại.

“Với quá trình đó, từ câu hỏi thô đến khi được chọn vào ngân hàng đề sẽ bị sàng lọc rất nhiều, tỷ lệ chỉ còn đạt 50% đến 70% là nhiều. Đề thi sau khi sàng lọc đã được chuẩn hóa. Với cả một quá trình công phu, vất vả và tốn kém, đề sử dụng nhiều lần thì không thể công bố được. Đó là tài sản của chúng tôi,” ông Hồng chia sẻ.

Mọi câu hỏi đều có thể có

Về những băn khoăn của thí sinh xung quanh đề thi, ông Sái Công Hồng khẳng định không có câu hỏi “Bộ trưởng Bộ Tư pháp tên là gì?”. “Đây là một câu hỏi có thể có nhiều đáp án, đáp án có thể đúng ở thời điểm này và không đúng ở thời điểm khác, trong khi đề của chúng tôi là đề dùng nhiều lần nên chắc chắn không thể có. Có thể thí sinh nhớ chưa chính xác,” ông Hồng phân trần.

Cũng theo ông Hồng, các câu hỏi của bài thi đánh giá năng lực đều được xây dựng trên một ma trận, mỗi câu đều đáp ứng yêu cầu là sẽ đo được năng lực gì, ở mức độ nào đối với thí sinh. Thậm chí một câu hỏi có thể là thang đo nhiều năng lực. 

“Một câu hỏi không chỉ đo được năng lực nhận thức thông thường của thí sinh mà còn có thể đo được năng lực cao khác cao hơn như năng lực sáng tạo, khả năng ứng biến linh hoạt của thí sinh… Đó là do người thiết kế đề,” ông Hồng nói.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nói: “Tất cả các câu hỏi đều có mục đích. Người đi thi phải chấp nhận mọi câu hỏi đều có thể có ở đó, thậm chí có những câu rất vô nghĩa vẫn được đưa lên để kiểm tra một cái gì đó, phân biệt chính xác hay không chính xác.”

“Đây là kỳ thi theo cách mới, vì thế xã hội hãy giám sát theo cách khác, đừng giám sát theo cách cũ. Thứ nhất, đề không chỉ có đúng-sai mà có ma trận mục tiêu, ma trận đó đã được chúng tôi công bố trên website. Thứ hai là đề được xây dựng theo quy trình khác hẳn, trong quy trình đó có khả năng loại trừ các câu hỏi và câu trả lời sai. Thứ tư là trường cũng phải tự đảm bảo chất lượng của mình và chúng tôi chịu trách nhiệm trước xã hội,” ông Sơn nói.​/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục