Lãnh đạo được tăng tuổi nghỉ hưu nhưng thôi giữ chức vụ quản lý

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội thì việc tính toán tăng tuổi nghỉ hưu phải đi theo con đường kéo dài thời gian công tác nhưng thôi giữ chức vụ lãnh đạo.
Đối thoại trực tuyến về tăng tuổi nghỉ hưu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thì ​khi áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu không nên quá lo ngại về việc "tham quyền cố vị", một số lãnh đạo cố gắng ở lại “giữ ghế” của mình vì nếu có một chính sách tốt thì việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ vẫn đạt được mục đích là tận dụng được nguồn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi toạ đàm đối thoại trực tuyến về tăng tuổi nghỉ hưu do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức sáng ngày 28/10 tại Hà Nội.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng phương án tăng tuổi nghỉ hưu, theo đó thì đến năm 2020, cán bộ, công chức, viên chức sẽ là đối tượng đầu tiên được điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu và bắt đầu tăng thêm 3 hoặc 4 tháng tuổi/năm cho đến khi đạt 58 tuổi (hoặc 60 tuổi) với nữ và 62 tuổi với nam. Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần phải xây dựng những phương án tăng tuổi nghỉ hưu với những phân tích đầy đủ về tác động đến kinh tế, xã hội để trình lên Quốc hội.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng 60 tuổi về hưu là hợp lý nhưng đối với những cán bộ lãnh đạo đã có năng lực chuyên môn tốt thì cần tận dụng nguồn nhân lực này nhưng nhấn mạnh: “Đối với cán bộ quản lý, việc tính toán tăng tuổi nghỉ hưu phải đi theo con đường kéo dài thời gian công tác nhưng thôi giữ chức vụ lãnh đạo. Giám đốc, hiệu trưởng nếu có năng lực thì đến 60 tuổi có thể nghỉ làm lãnh đạo nhưng vẫn tiếp tục làm việc như chuyên gia và hưởng lương chuyên gia cao cấp.”

Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết thêm, hiện nay Luật Lao động cũng đã quy định những trường hợp đặc cách được điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Theo Nghị định 53/2015/NĐ-CP, một số vị trí lãnh đạo đã được điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu lên không quá 60 tuổi với nữ (thứ trưởng Bộ, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh..) và 65 tuổi với nam như thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao… nhưng những đối tượng này chiếm số ít.

Không chỉ nóng về vấn đề tuổi nghỉ hưu của lãnh đạo, tăng tuổi nghỉ hưu còn đứng trước nỗi lo sẽ làm giảm cơ hội của lao động trẻ được vào làm việc tại các cơ quan nhà nước. Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân thừa nhận thực tế hiện nay nhiều người vào được công chức là nghiễm nhiên làm đến hết đời mà không biết chất lượng công việc có tốt, có đảm bảo hay không.

“Việc sử dụng lao động trong khu vực công chức phải thay đổi. Cứ vào công chức biên chế không có nghĩa là sẽ làm việc suốt đời mà phải có quá trình đánh giá công việc trong 5 năm, 10 năm như một số nước khác. Nguyên tắc khu vực công chức ‘có vào, có ra’mới nâng cao được chất lượng,” Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói.

Đồng ý với nhận định phải thay đổi trong việc tuyển dụng và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng hiện nay lực lượng cán bộ, công, viên chức có khoảng 2,8 triệu người và tiến tới phải chuyển các đơn vị sự nghiệp công sang tự chủ tự chịu trách nhiệm, Nhà nước chỉ khoán chi phí đầu ra còn các đơn vị phải tự cân đối để tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục