Nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh xã hội diễn ra tại Gothenburg, Thụy Điển, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 17/11 đã cam kết xây dựng một diện mạo châu Âu xã hội hơn trong nỗ lực chống chủ nghĩa hoài nghi.
Đối với các lãnh đạo EU, điều thiết yếu hiện nay là đặt chính sách xã hội vào trọng tâm hành động tại thời điểm kinh tế châu Âu khẳng định sự hồi phục của mình. Thời điểm 18 tháng trước các cuộc bầu cử châu Âu là dấu mốc rất quan trọng khi làn sóng hoài nghi châu Âu đang chiếm ưu thế trong EU - điều này đã được thể hiện qua kết quả các cuộc bầu cử mới đây tại Đức, Áo và Pháp.
Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho biết EU đang đối mặt với sự lo ngại ngày càng gia tăng trong dân chúng cùng sự thiếu tin tưởng đối với các giải pháp chính trị, đồng thời nhấn mạnh đây là thời điểm mà các nhà lãnh đạo phải đặt công dân vào vị trí trung tâm các mối quan tâm.
Điểm nhấn của Hội nghị thượng đỉnh xã hội tại Thụy Điển lần này là lễ ký tuyên bố quan trọng mang tên "Nền tảng châu Âu về quyền xã hội" của 28 nước thành viên nhằm ngăn chặn sự xuống cấp xã hội. Dù không mang tính ràng buộc nhưng tuyên bố này là tín hiệu cho thấy những người nghèo nhất không bị lãng quên.
[Pháp hối thúc Đức nắm bắt cơ hội lịch sử để cải cách châu Âu]
Tuyên bố đưa ra 20 nguyên tắc và quyền cần được tôn trọng tại "Lục địa già," như quyền được giáo dục, hướng nghiệp, bình đẳng về cơ hội và bình đẳng nam-nữ. Bên cạnh đó, tuyên bố cũng đề cập đến vấn đề lương tối thiểu phù hợp nhằm đảm bảo mức độ đáp ứng các nhu cầu của người lao động và gia đình, có tính đến điều kiện kinh tế, xã hội của mỗi nước, trong khi vẫn đảm bảo quyền tiếp cận việc làm và các ưu đãi để tìm kiếm việc làm.
Nhân dịp này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã kêu gọi các nước thành viên và Nghị viện châu Âu thông qua một số dự án xã hội hiện vẫn "nằm trên giấy." Trong khi đó, các nhà lãnh đạo EU nhất trí hành động để từ nay đến năm 2025 thanh niên châu Âu có thể sử dụng hai ngoại ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ.
Liên quan vấn đề Anh rời EU, hay còn gọi là Brexit, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh EU sẽ "bật đèn xanh" để chuyển sang giai đoạn đàm phán tiếp theo về mối quan hệ với Anh nếu vào Hội nghị thượng đỉnh EU giữa tháng 12 tới, các tiến bộ đột phá được ghi nhận trên các vấn đề biên giới Ireland và thanh toán hóa đơn tài chính Brexit.
Về phần mình, trong buổi gặp trực tiếp Chủ tịch Donald Tusk và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định đàm phán Brexit đã đạt nhiều tiến bộ, song cho rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm./.