Lãnh đạo EU hoài nghi khả năng đạt thỏa thuận cải cách với Anh

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ngày 12/11 đánh giá khả năng đạt được thỏa thuận với Anh về kế hoạch cải cách Liên minh châu Âu (EU) là "rất, rất khó khăn."
Lãnh đạo EU hoài nghi khả năng đạt thỏa thuận cải cách với Anh ảnh 1Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. (Nguồn: independent)

Theo phóng viên TTXVN tại London, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ngày 12/11 đánh giá khả năng đạt được thỏa thuận với Anh về kế hoạch cải cách Liên minh châu Âu (EU) là "rất, rất khó khăn."

Đây được coi là phản ứng đầu tiên của nhà lãnh đạo EU kể từ khi tiếp nhận lá thư của Thủ tướng Anh David Cameron hôm 10/11 vừa qua, trong đó chính thức đề cập đến các điều kiện và mục tiêu cải cách EU theo kế hoạch của London.

Phát biểu trước báo giới bên lề Hội nghị thượng đỉnh EU và châu Phi tại đảo quốc Malta, Chủ tịch Tusk nhận định "không có sự đảm bảo nào" về việc đạt được một thỏa thuận giữa Vương quốc Anh và EU tại Hội nghị thượng đỉnh trong tháng 12 tới, do cho rằng yêu cầu của Anh đối với kế hoạch cải cách khối này là "rất cứng rắn."

Tuy nhiên, dư luận Anh cho rằng vẫn có thể đạt được các mục tiêu cải cách EU theo kế hoạch 4 điểm của Thủ tướng David Cameron.

Một số ý kiến thậm chí khẳng định 4 điểm trong lá thư này còn "khiêm tốn" hơn rất nhiều so với những gì mà Thủ tướng Cameron từng tuyên bố 2 năm trước khi cam kết tổ chức trưng cầu ý dân về vị thế thành viên EU của Anh nếu đảng Bảo thủ của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 vừa qua.

Dự kiến, tiến trình đàm phán về các điều kiện và mục tiêu cải cách EU mà Chính phủ Anh vừa công bố sẽ được triển khai từ tuần tới.

Bản kiến nghị cải cách 4 điểm mà Anh đưa ra gồm bảo vệ thị trường chung cho Anh và các nước thành viên EU khác nằm ngoài Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone); tăng tính cạnh tranh trên toàn EU, trong đó có biện pháp cắt giảm chi phí kinh doanh; tăng cường vai trò của quốc hội các nước thành viên trong quá trình xây dựng luật tại Nghị viện châu Âu (EP); hạn chế tiếp cận thanh toán phúc lợi xã hội cho lao động nhập cư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.