Lãnh đạo EU họp bàn kế hoạch phục hồi sau đại dịch COVID-19

Hội nghị các nhà lãnh đạo EU sẽ tập trung xem xét, đánh giá tình hình dịch bệnh tại châu Âu, vấn đề vaccine và các nỗ lực phối hợp để đối phó với đại dịch.
Lãnh đạo EU họp bàn kế hoạch phục hồi sau đại dịch COVID-19 ảnh 1Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

27 lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp Hội nghị Thượng đỉnh vào các ngày 24, 25/6 tại thủ đô Brussels để thảo luận về dịch COVID-19, phục hồi kinh tế, di cư và quan hệ đối ngoại, bao gồm cả quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, hội nghị sẽ tập trung xem xét, đánh giá tình hình dịch bệnh tại châu Âu, vấn đề vaccine và các nỗ lực phối hợp để đối phó với đại dịch.

Trong bối cảnh này, các nhà lãnh đạo sẽ giải quyết những trở ngại còn lại đối với việc áp dụng chứng chỉ kỹ thuật số về COVID-19 của EU để đảm bảo quyền tự do đi lại trong khối kể từ ngày 1/7 tới.

[EU quyết định mua thêm 150 triệu liều vaccine Moderna]

Tại hội nghị, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ báo cáo về những bài học kinh nghiệm rút ra từ đại dịch ở giai đoạn này.

Các nhà lãnh đạo EU sẽ xem xét tình hình thực hiện kế hoạch Next Generation EU (Thế hệ tiếp theo của EU). Đây là một gói phục hồi của EU trị giá 750 tỷ euro đã được Hội đồng châu Âu thông qua vào ngày 21/7/2020 để hỗ trợ các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Liên quan đến kế hoạch phục hồi kinh tế, lãnh đạo 27 quốc gia EU dự kiến sẽ đưa ra khuyến nghị về chính sách kinh tế của khu vực đồng euro.

Bên cạnh đó, họ sẽ xem xét tình hình di cư trên các tuyến đường khác nhau vào châu Âu.

Theo tuyên bố của các thành viên Hội đồng châu Âu vào ngày 25/3 vừa qua, các nhà lãnh đạo sẽ nối lại thảo luận về quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, trên cơ sở báo cáo của Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại và của EC.

Vào ngày 25/6, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về những thách thức kinh tế đối với khu vực đồng euro do hậu quả của cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng như những tiến bộ đã đạt được về Liên minh ngân hàng và Liên minh thị trường vốn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.