Lãnh đạo EU sẽ họp trực tuyến lần 3 thảo luận về tác động của COVID-19

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết hội đồng sẽ tiếp tục hành động quyết liệt để ứng phó với cuộc khủng hoảng dịch COVID-19.
Lãnh đạo EU sẽ họp trực tuyến lần 3 thảo luận về tác động của COVID-19 ảnh 1Toàn cảnh hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Bỉ, ngày 21/2/2020. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ngày 19/3 cho biết các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến vào ngày 26/3 nhằm thảo luận về tác động của dịch COVID-19.

Nghị viện châu Âu (EP) cũng lên kế hoạch gia tăng hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế của khối này.

Viết trên trang Twitter cá nhân, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết hội đồng sẽ tiếp tục hành động quyết liệt để ứng phó với cuộc khủng hoảng dịch COVID-19. Đây sẽ là lần thứ ba các nhà lãnh đạo châu Âu tổ chức họp trực tuyến kể từ khi dịch COVID-19 lan sang châu lục này.

Cùng ngày 19/3, EP cho biết cơ quan này sẽ thông qua các biện pháp đặc biệt nhằm giảm bớt tác động từ cú sốc kinh tế do dịch COVID-19 gây ra, bao gồm việc giải ngân 37 tỷ euro (hơn 39 tỷ USD) từ các quỹ EU cho các chính phủ thành viên.

Các chính phủ EU hiện giờ có thể trợ cấp lên đến 800.000 euro tiền mặt cho các công ty bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Trong khi đó, tính đến sáng 20/3 châu Âu đã ghi nhận tổng cộng 100.470 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, với 4.752 ca tử vong, nhiều hơn khu vực châu Á có 94.253 ca nhiễm và 3.417 ca tử vong.

Việc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tối ngày 18/3 công bố một chương trình khẩn cấp mang tên "Chương trình thu mua khẩn cấp trong đại dịch" (PEPP) trị giá 750 tỷ euro (tương đương 800 tỷ USD) để thu mua trái phiếu nhằm đối phó đại dịch COVID-19 đã nhận được sự đánh giá tích cực từ các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia, vì họ cho rằng đây là động thái chứng tỏ quyết tâm của châu Âu hành động ở cấp độ khu vực để đối phó với cuộc khủng hoảng này.

Chương trình PEPP được ban hành chưa đầy một tuần sau gói kích thích kinh tế trị giá 120 tỷ euro nhằm hỗ trợ nền kinh tế châu Âu được công bố vào ngày 12/3.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã bày tỏ sự hoan nghênh và cho rằng châu Âu đang theo đuổi một biện pháp kinh tế mạnh mẽ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Ông nhấn mạnh không có nỗ lực nào là dư thừa để ngăn chặn COVID-19 và bảo vệ nền kinh tế của châu Âu khỏi bị thiệt hại thêm nữa.

Trên mạng Twitter, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với những biện pháp chưa từng có nói trên của ECB. Bên cạnh đó, ông nói thêm rằng ECB có thành công hay không còn phụ thuộc vào sự sẵn sàng của các nước châu Âu thông qua các biện pháp tài chính và tăng cường sự thống nhất các biện pháp này trong khu vực.

[Kinh tế EU có thể thu hẹp 1% do tác động xấu của dịch COVID-19]

Bộ trưởng tài chính Hy Lạp Christos Staikouras cho biết gói ngân sách mới nhất của ECB đã tạo điều kiện cho lượng trái phiếu trị giá 12 tỷ euro của nước này đủ điều kiện để bán ra và điều này có thể giúp tăng năng lực thanh khoản cho nền kinh tế. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2015 Hy Lạp có thể tham gia chương trình thu mua trái phiếu của ECB vì trước đó xếp hạng tín dụng của nước này ở mức thấp.

Giám đốc Trung tâm Chính sách châu Âu tại thủ đô Brussels, ông Janis Emmanouilidis đánh giá quyết định của ECB là một "hành động sáng suốt," cho thấy sự can đảm và quyết tâm của châu Âu nhằm giảm ngăn chặn tình hình vượt ra khỏi tầm kiểm soát, cho phép 27 nước thành viên EU áp dụng các biện pháp tài chính thích hợp và đồng bộ để giúp giảm ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Đức Friedrich Heinemann, thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế ZEW, bình luận cuộc khủng hoảng COVID-19 đe dọa châm ngòi một cuộc khủng hoảng nợ và tài chính quy mô lớn.

Trong tình hình này, ECB đang cố gắng sử dụng tất cả các biện pháp để hỗ trợ các nỗ lực chống dịch cũng như kéo dài thời gian. Ông cho rằng giống như trong cuộc khủng hoảng nợ công khu vực đồng tiền chung châu Âu, ECB một lần nữa đang chứng tỏ khả năng hành động có trách nhiệm.

Trước sự bùng phát của đại dịch tại châu Âu, các nhà nghiên cứu đã dự báo một bức tranh ảm đạm đối với nền kinh tế khu vực đồng tiền chung Eurozone khi nhiều nước châu Âu tiến hành phong tỏa đất nước cũng như thực hiện việc kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn, gây khó khăn cho các tập đoàn và doanh nghiệp nhỏ.

Các nhà kinh tế của Ngân hàng trung ương Đức cũng đã dự báo một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu nghiêm trọng sẽ xảy ra trong nửa đầu năm 2020, trong đó khu vực eurozone giảm mạnh trong quý hai ở mức 24%.

Các nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu IfW Kiel có trụ sở tại thủ đô Berlin, Đức, ngày 19/3 cũng cho biết họ đã phải hạ dự báo triển vọng kinh tế Đức trong năm nay do những diễn biến bất thường của đại dịch COVID-19, và cho rằng GDP của Đức sẽ giảm từ 4,5% đến 9% trong năm 2020, tùy thuộc vào diễn biến tình hình dịch sẽ kết thúc vào cuối tháng Tư hay cuối tháng Bảy.

Theo giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Đức (DIW), chuyên gia Claus Michelsen, việc cần làm bây giờ là cuộc khủng hoàng phải được đối phó nhanh và ồ ạt. Các nhà lãnh đạo cần đưa ra những hành động dứt khoát, xây dựng cầu nối với hỗ trợ thanh khoản cũng như tổ chức phối hợp giữa các chính phủ.

Trả lời phỏng vấn báo giới, chuyên gia kinh tế Đức Sascha Steffen - Giáo sư Trường Tài chính và Quản lý Frankfurt, nhấn mạnh "thành công của ECB và cách họ sử dụng các quỹ này phụ thuộc rất nhiều vào các hành động tài chính mà các chính phủ đang thực hiện ở khu vực Eurozone."

Điều quan trọng không chỉ đảm bảo có đủ tiền mà các quỹ có thể nhanh chóng đến với người dân, các hộ gia đình và doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục