Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 18/3 cho biết sẵn sàng thực hiện các biện pháp tiếp theo để hỗ trợ nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nhằm trấn an những quan ngại gia tăng về việc cơ quan này có thể không còn đủ “hỏa lực” để ứng phó tình hình khó khăn hiện nay.
Trong khi ECB nhất trí về một loạt biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hồi tuần qua, các thị trường quan ngại rằng liệu ECB có còn bất kỳ công cụ nào để ứng phó với cuộc khủng hoảng do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Áo Robert Holzmann đã củng cố mối quan ngại trên khi cho rằng chính sách tiền tệ đã đến mức giới hạn và ECB không thể hành động như kỳ vọng của các thị trường.
Trong một thông báo đưa ra ngày 18/3, ECB cho biết sẵn sàng điều chỉnh tất cả biện pháp tùy theo tình hình, nếu điều này là cần thiết để đảm bảo các điều kiện thanh khoản trong hệ thống ngân hàng và sự vận hành suôn sẻ của chính sách tiền tệ.
Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos cho hay ngân hàng này có thể hành động nhiều hơn, song đây là một cuộc khủng hoảng y tế chứ không phải khủng hoảng tài chính và chính phủ các nước cần chịu trách nhiệm ứng phó với dịch COVID-19.
[Kinh tế EU có thể thu hẹp 1% do tác động xấu của dịch COVID-19]
Trước đó, Chủ tịch ECB Christine Lagarde hồi tuần trước nói rằng cơ quan này không chịu trách nhiệm về việc thu hẹp biên độ lãi suất trái phiếu chính phủ của các nước Eurozone - vốn đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ của Italy tăng mạnh, gây lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách và quan chức chính phủ.
Ông De Guindos cho biết Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) hiện có nguồn tín dụng 410 tỷ euro, song một công cụ tài khóa chung của Eurozone cũng có ích.
Theo ông De Guindos, điều quan trọng là có một phản ứng chung ở cấp độ châu Âu và một công cụ tài khóa chung cho Eurozone là điều cần thiết.
Vấn đề của ECB là chi phí đi vay của các nước thành viên yếu nhất trong Eurozone đã tăng trong những ngày gần đây, thậm chí khi ECB thông báo sẵn sàng can thiệp vì điều này tác động tiêu cực tới việc thực hiện chính sách của ECB.
Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Italy hiện cao hơn lần lượt 271 điểm cơ bản, 170 điểm cơ bản và xấp xỉ 400 điểm cơ bản so với lợi suất trái phiếu chính phủ cùng kỳ hạn của Đức, Tây Ban Nha và Hy Lạp./.