Lãnh đạo khối EU nhóm họp giải quyết nhiều vấn đề gấp rút

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp trong hai ngày 10-11/12 tại Brussels với một chương trình nghị sự đặc biệt dày đặc và những nhiệm vụ nặng nề phải giải quyết.
Lãnh đạo khối EU nhóm họp giải quyết nhiều vấn đề gấp rút ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp trong hai ngày 10-11/12 tại Brussels với một chương trình nghị sự đặc biệt dày đặc và những nhiệm vụ nặng nề phải giải quyết.

Trong ngày đầu hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về sự phối hợp trong công tác ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và tham vọng khí hậu vào năm 2030.

Sau ba tuần phủ quyết, trước nguy cơ bị loại khỏi gói kích thích chống đại dịch COVID-19, Hungary và Ba Lan đã đưa ra những tín hiệu cho thấy họ sẽ không tiếp tục cản trở việc phê duyệt tài chính của EU cho giai đoạn 2021-2027 và quỹ phục hồi tổng trị giá 1.800 tỷ euro (2.179 tỷ USD).

Đổi lại, hai nước này cũng giành được một số nhượng bộ đối với cơ chế về pháp quyền mà các nhà lãnh đạo EU dự kiến thông qua trong ngày đầu của hội nghị thượng đỉnh.

[Ba Lan, Hungary và Đức đề xuất phương án về ngân sách EU]

Về vấn đề khí hậu, các nhà lãnh đạo EU đang hướng tới nhất trí về một mục tiêu giảm phát thải mới của EU cho năm 2030. Điều này sẽ cho phép EU đệ trình bản đóng góp cập nhật vào Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu trước khi kết thúc năm 2020.

Để đáp ứng mục tiêu EU trung hòa về khí thải vào năm 2050 phù hợp với các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, EU cần nâng cao tham vọng trong thập kỷ tới và cập nhật các mục tiêu khí hậu cũng như khung chính sách năng lượng.

Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất đến năm 2030 sẽ giảm mức phát thải khí nhà kính xuống ít nhất là 55% so với mức của năm 1990. Mục tiêu được đặt ra hiện nay là 40%.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về quan hệ với Mỹ cũng như những diễn biến căng thẳng gần đây ở Đông Địa Trung Hải và mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Dự kiến các nhà lãnh đạo EU sẽ nêu bật tầm quan trọng của quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương dựa trên các lợi ích và giá trị chung, đặc biệt là trong bối cảnh phát sinh ngày càng nhiều nhu cầu giải quyết những thách thức cấp bách toàn cầu.

Theo kế hoạch, trong ngày làm việc thứ hai, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận các vấn đề an ninh.

Sau các cuộc tấn công khủng bố diễn ra gần đây trên khắp châu Âu, hội nghị thượng đỉnh sẽ phải đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề an ninh, trong đó tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố.

Các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận các biện pháp ngăn chặn cực đoan hóa và cách thức đối phó với các hệ tư tưởng hậu thuẫn khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực.

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), với sự tham gia của Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde và Chủ tịch Eurogroup (nhóm các Bộ trưởng Tài chính của Eurozone) Paschal Donohoe, các lãnh đạo sẽ rà soát những tiến bộ đã đạt được trong liên minh ngân hàng và liên minh thị trường vốn.

Tại hội nghị, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen sẽ thông báo cập nhật những diễn biến mới nhất trong đàm phán thỏa thuận thương mại với Vương quốc Anh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.