Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Theresa May ngày 28/3 đã có cuộc điện đàm và thảo luận việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga khỏi Mỹ và Anh nhằm đáp trả vụ cựu điệp viên Nga Sergey Skripal và con gái ông này bị đầu độc tại Anh cách đây ba tuần.
Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết cả hai nhà lãnh đạo đều nhất trí về tầm quan trọng của việc đưa ra các biện pháp cần thiết nhằm kiềm chế cái mà hai nước gọi là hoạt động bí mật của Moskva, và ngăn chặn các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học trong tương lai ở Anh và Mỹ.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nhận định Nga đã đánh giá thấp phản ứng của quốc tế đối với vụ đầu độc mà London cho rằng Moskva phải chịu trách nhiệm.
Trong khi đó, cùng ngày, Đại diện ngoại giao Nga tại Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) Alexander Lukashevich tuyên bố việc các nước trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga đã tạo ra "một tiền lệ nguy hiểm của hình thức trừng phạt tập thể nhằm vào một quốc gia bị cáo buộc một cách vô căn cứ". Ông khẳng định những cáo buộc của Anh nhằm vào Nga trong vụ đầu độc này là "hành động khiêu khích trên diện rộng."
Phát biểu với hãng tin Nga RIA Novosti, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố Moskva "chưa vội" đưa ra các biện pháp đáp trả làn sóng trục xuất nhân viên ngoại giao của mình và để ngỏ "mọi khả năng."
Cho tới nay đã có 19/28 nước Liên minh châu Âu (EU) ra lệnh trục xuất các nhà ngoại giao Nga, trong khi ba nước khác triệu hồi Đại sứ tại Nga về nước để tham vấn. Chỉ có Hy Lạp, Bulgaria, Cyprus, Bồ Đào Nga, Slovenia và Áo không có hành động.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cáo buộc chính quyền Mỹ tìm mọi cách gây sức ép đối với các đồng minh nhằm trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Chính quyền Nga cũng đã nhiều lần khẳng định không liên quan đến vụ đầu độc tại thành phố Salisbury của Anh, đồng thời cho rằng đây là âm mưu của phương Tây nhằm hạ thấp uy tín của nước Nga.
[Mỹ hối thúc lập cơ chế chung điều tra vụ đầu độc cựu điệp viên Nga]
Liên quan đến kết quả điều tra, cảnh sát Anh cho rằng nhiều khả năng ông Sergey Skripal và con gái bị đầu độc ngay trước cửa nhà riêng của họ ở thành phố Salisbury, sau khi một lượng lớn chất độc thần kinh được phát hiện ở cửa trước của ngôi nhà. Lực lượng chức năng đang tập trung điều tra ở khu vực xung quanh để tìm thêm dấu vết.
Ông Skripal và con gái đang được điều trị tích cực trong bệnh viện. Tuy nhiên, theo gia đình nạn nhân, khả năng sống của những người này là rất thấp.
Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal, 66 tuổi, bị Cơ quan An ninh Liên bang Nga bắt giữ năm 2004 và sau đó bị kết án 13 năm tù giam vì tội phản bội tổ quốc (làm gián điệp cho Anh), bị tước bỏ mọi chức vụ và danh hiệu. Sáu năm sau, điệp viên hai mang này được trao cho phía Mỹ trong một cuộc trao đổi điệp viên. Ông Skripal hợp tác với Cơ quan tình báo nước ngoài của Anh (MI6) kể từ khi ông được Anh cho tị nạn.
Phía Nga đã bác bỏ mọi cáo buộc dính líu tới vụ việc ở Salisbury, đồng thời yêu cầu phía Anh phải đưa ra bằng chứng hoặc xin lỗi Moskva. Điện Kremlin cho rằng vụ đầu độc ông Skripal và con gái là âm mưu hòng làm xấu hình ảnh của nước Nga trước cuộc bầu cử tổng thống vừa qua./.