Lãnh đạo NATO thảo luận về chiến lược hạt nhân của Nga

Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO đã thảo luận về cách thức Tổng thống Nga Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột với phương Tây.
Lãnh đạo NATO thảo luận về chiến lược hạt nhân của Nga ảnh 1Tên lửa chiến lược của Nga tham gia lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm Chiến thắng phátxít. (Nguồn: Sputnik)

Báo Welt am Sonntag (Đức) dẫn nguồn tin ngoại giao cấp cao trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO giữa tuần qua đã thảo luận về chiến lược hạt nhân của Nga.

Theo tờ báo, chủ đề chính của cuộc họp là một văn kiện mật, do lãnh đạo NATO soạn thảo. Những người tham dự muốn phân tích cách thức Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột với phương Tây, những khả năng của Moskva và hậu quả của chúng đối với NATO.

Nguồn tin chỉ rõ NATO thực sự lo ngại về chương trình hạt nhân của Nga. Tuy nhiên, nguồn tin vẫn chưa rõ NATO có đưa ra chiến lược dài hạn mới tính tới khả năng của cả vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân hay không.

Mới đây, phát biểu khai mạc diễn đàn Army 2015 tại ngoại ô Moskva, Tổng thống Putin cho biết khoảng 40 tên lửa đạn đạo liên lục địa sẽ được phiên chế cho quân đội Nga trong năm nay.

Nguyên thủ quốc gia Nga cũng lưu ý các tên lửa này có thể xuyên thủng cả những hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất. Sau đó, trong cuộc họp báo với Tổng thống Phần Lan, ông Putin đã cam kết chỉ nhằm vào các vùng lãnh thổ đe dọa Nga.

Ngày 19/6, phát biểu với đại diện các hãng thông tấn trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, ông Putin trấn an rằng sự gia tăng các ngôn từ thù địch giữa Nga và Mỹ không có nghĩa thế giới đang đối mặt với nguy cơ đối đầu bằng vũ khí hạt nhân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.