Lãnh đạo NATO và Thổ Nhĩ Kỳ điện đàm về tình hình Đông Địa Trung Hải

Trong cuộc điện đàm với Tổng thư ký NATO Jens Stolltenberg, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan khẳng định Ankara sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền và lợi ích của nước này ở mọi nơi.
Tàu thăm dò Oruc Reis (giữa) của Thổ Nhĩ Kỳ với sự hộ tống của các tàu hải quân ở ngoài khơi thành phố Antalya trên Địa Trung Hải, ngày 10/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tàu thăm dò Oruc Reis (giữa) của Thổ Nhĩ Kỳ với sự hộ tống của các tàu hải quân ở ngoài khơi thành phố Antalya trên Địa Trung Hải, ngày 10/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, ngày 28/8, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stolltenberg đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để trao đổi về tình hình ở khu vực phía Đông Địa Trung Hải.

Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong cuộc điện đàm, Tổng thống Erdogan khẳng định Ankara sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền và lợi ích của nước này ở mọi nơi, đồng thời yêu cầu NATO thực thi đầy đủ trách nhiệm trước các bước đi đơn phương phớt lờ luật pháp quốc tế và gây tổn hại đến hòa bình khu vực.

Theo ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ một giải pháp công bằng trong khu vực trên tình thần mang lại lợi ích cho các bên.

[NATO tìm kiếm cơ chế tránh xung đột ở Đông Địa Trung Hải]

Về phần mình, Tổng thư ký NATO Stolltenberg kêu gọi hai nước thành viên Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp giảm leo thang căng thẳng, giải quyết tranh chấp trên tinh thần đoàn kết và dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Ông nhấn mạnh NATO sẽ tìm cách tránh nguy cơ xảy ra xung đột ở phía Đông Địa Trung Hải để làm dịu căng thẳng liên quan đến các nguồn năng lượng trong khu vực.

Trước đó, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell tuyên bố EU sẽ thảo luận các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ tại Hội nghị thượng đỉnh của khối dự kiến diễn ra vào ngày 24/9.

Gần đây, căng thẳng đã leo thang trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp sau khi Ankara điều tàu thăm dò khí đốt tới khu vực ngoài khơi các đảo của Hy Lạp ở phía Đông Địa Trung Hải.

Athens coi các cuộc thăm dò này là bất hợp pháp, trong khi Ankara khẳng định vùng biển mà họ đang tiến hành thăm dò thuộc thềm lục địa của nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.