Lãnh đạo Pháp-Đức hội đàm tại Paris về cuộc khủng hoảng di cư

Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức đã hội đàm tại điện Elysée để thống nhất quan điểm trước Hội nghị thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ bàn về cuộc khủng hoảng người di cư.
Lãnh đạo Pháp-Đức hội đàm tại Paris về cuộc khủng hoảng di cư ảnh 1Tổng thống Francois Hollande (phải) và Thủ tướng Angela Merkel tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sáng 4/3, Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã hội đàm tại điện Elysée, Paris, để thống nhất quan điểm trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tìm kiếm các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng người di cư.

Hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức muốn có quan điểm thống nhất tại hội nghị diễn ra vào ngày 7/3 tại Brussels (Bỉ) để có thể thuyết phục các đối tác khác cùng hợp tác để đối phó với cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ đang làm chia rẽ các nước châu Âu.

Việc các nước khu vực Balkan dựng hàng rào dây thép gai, đóng cửa biên giới làm hàng nghìn người di cư bị mắc kẹt tại Hy Lạp có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo trong thời gian tới.

Theo một nhà ngoại giao Pháp, chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Đức là nhằm xác định rõ các vấn đề, thúc đẩy mọi việc trong những ngày cuối tuần để có thể đạt được tối đa những yêu cầu với các nước vào ngày 7/3.

Paris và Berlin muốn gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các cam kết nhằm kiểm soát biên giới, đặc biệt là con đường dẫn sang Hy Lạp và việc nhận trở lại người di cư bất hợp pháp.

Theo Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ phải cải thiện các cơ sở tiếp nhận người di cư, hạn chế làn sóng người di cư tới Hy Lạp để đổi lấy khoản hỗ trợ 3 tỷ euro của EU.

Cuộc gặp Hollande-Merkel diễn ra hai ngày sau khi EU thông báo cấp khoản hỗ trợ 700 triệu euro để giúp các nước thành viên EU là điểm đầu tiên tiếp nhận làn sóng người di cư trên con đường đến Bắc Âu, đặc biệt là Hy Lạp.

Hiện tại Hy Lạp đang phải đối mặt với lượng người di cư kỷ lục lên đến 23.000 người, trong đó 10.000 người bị chặn lại tại biên giới giữa Macedonia và Hy Lạp.

Cũng tại cuộc gặp ngày 4/3, hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, các Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Italy Matteo Renzi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.