Hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đang là vấn đề gây nhức nhối dư luận. Vụ việc mới đây liên quan đến Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam, sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng của Bộ Công Thương đã phát hiện có tổng số 99,3% loại hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Kết luận cũng chỉ rõ, Công ty có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng, sử dụng nhiều nội dung thể hiện sự liên quan tới nguồn gốc từ Hàn Quốc nhưng lại không cung cấp được các căn cứ, tài liệu để xác minh tính chính xác của các thông tin cung cấp, đặc biệt là thông tin về nguồn gốc, công nghệ sản xuất sản phẩm.
Sau hàng loạt vụ việc diễn ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu lực lượng chức rà soát, kiểm tra tại các doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tương tự như Mumuso để giám sát và đánh giá hoạt động tuân thủ pháp luật.
Trao đổi với VietnamPlus, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã bày tỏ nhiều quan điểm liên quan đến công tác bảo vệ Người tiêu dùng hiện nay.
[Hơn 99% hàng hóa của Mumuso Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc]
- Ông đánh giá thế nào về nhiều vụ việc liên quan đến hàng giả xuất xứ diễn ra gần đây?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Gần đây Bộ Công Thương vừa công bố kết quả kiểm tra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam, có tới 99,3% loại hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc, không có sản phẩm từ Hàn Quốc như hệ thống này quảng cáo.
Việc Mumuso sử dụng một số nội dung quảng cáo tại cửa ra vào địa điểm kinh doanh: “Mumuso; giá chỉ từ 22.000; KOREA”; sử dụng chữ KOREA (Hàn Quốc) trên các túi đựng sản phẩm có thể khiến khách hàng hiểu rằng cửa hàng, sản phẩm liên quan đến Hàn Quốc.
Còn hệ thống cửa hàng Con Cưng, ngày 25/5/2018, một người tiêu dùng khi mua hàng tại một siêu thị thuộc hệ thống Con Cưng đã phát hiện có dấu hiệu bị cắt nhãn cũ và thay thế bằng nhãn có ghi xuất xứ từ Thái Lan, đã gửi khiếu nại đến Cục Quản lý thị trường và Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng.
Ngoài ra, trên nhiều trang thương mại điện tử cũng có tình trạng bán hàng giả, hàng nhái. Ví dụ, một số vụ khiếu nại tới Hội: một người tiêu dùng ở huyện Thanh Oai, Hà Nội mua mỹ phẩm qua Facebook với tên gọi Myphamhano tinh dầu hồng môi, khi nhận hàng kiểm tra, phát hiện tem nhãn tinh dầu hồng môi là tem giả được dán đè lên tem tinh dầu trị thâm....
Qua thực tế trên có thể thấy vấn nạn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ hiện nay rất đáng lo ngại, gây bức xúc và thiệt hại cho người tiêu dùng.
- Qua vụ việc của Mumuso, theo ông đâu là những lỗ hổng để nhiều doanh nghiệp lợi dụng, làm ăn phi pháp, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Những cách kinh doanh trên đây rõ ràng là lách luật. Cửa hàng, túi đựng hàng được trang trí, giới thiệu quảng cáo gây nhầm lẫn như là cửa hàng bán hàng của Hàn Quốc, Nhật Bản để đánh vào tâm lý người tiêu dùng, nhưng trên sản phẩm vẫn ghi dòng chữ “Made in China” nhưng rất nhỏ, mắt thường rất khó đọc, hơn nữa, hàng nhập khẩu phải ghi nhãn phụ bằng tiếng Việt, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng là hành vi bị cấm theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Phải chăng pháp luật hiện nay chưa có chế tài xử lý hành vi kinh doanh theo kiểu cửa hàng “treo đầu dê bán thịt chó” nhằm gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng là một lỗ hổng để nhiều người kinh doanh lợi dụng trục lợi?
- Nhiều địa chỉ lớn, tin cậy cũng có hành vi làm ăn gian dối, vậy theo ông Người tiêu dùng cần làm gì khi đi mua hàng hóa?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Theo tôi nghĩ, thời đại thông tin bùng nổ cũng là lợi thế đối với người tiêu dùng, vậy nên tận dụng điều đó. Trường hợp của Mumuso là một ví dụ. Hai đài truyền hình lớn của Hàn Quốc là SBS và MBC đã đặt ra nghi vấn Mumuso là thương hiệu bán hàng mạo danh Hàn Quốc. Sau khi lên sóng truyền hình, tin tức đã nhanh chóng lan về Việt Nam.
Nhiều người tiêu dùng vốn là khách hàng của Mumuso cũng không khỏi bất ngờ, đã dừng mua hàng ở đây. Nhiều thương hiệu lớn, khi báo chí phanh phui những hành vi làm ăn gian dối của họ, lập tức bị nhiều người tiêu dùng tẩy chay.
Nếu mua hàng trên trang thương mại điện tử thì nên tìm hiểu thông tin trên cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương, tại đây có đăng danh sách các website thương mại điện tử có vi phạm pháp luật, danh sách các website thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật, danh sách thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử.
Qua đó tránh mua ở những website thương mại điện tử có vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tìm mua ở những website thương mại điện tử có tín nhiệm.
Tóm lại, chúng ta cần tìm hiểu các thông tin có liên quan đến sản phẩm hàng hóa cũng như về tổ chức, cá nhân kinh doanh trước khi mua hàng và sử dụng dịch vụ để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể gây ra.
- Biểu đồ xử lý hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của Quản lý thị trường Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2018:
- Ông đánh giá thế nào về việc thực thi Luật bảo vệ người tiêu dùng thời gian qua?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Từ khi Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, Luật ra đời đến nay đã được gần 8 năm, đã đến lúc cần tổng kết, đánh giá lại để kiến nghị Quốc hội xem xét, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới.
Theo tôi, để Luật phát huy hiệu quả, tôi nghĩ cần có các yếu tố như phù hợp thực tiễn và khả thi. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi xây dựng đã có những yếu tố này nhưng đến nay tình hình đã có nhiều thay đổi, cần cập nhật cho phù hợp. Có như vậy Luật mới phát huy hiệu quả.
- Ở góc độ Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, ông có kiến nghị gì để nâng cao hiệu quả của công tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi nghĩ chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là “cuộc chiến” thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài.
Để nâng cao hiệu quả công tác này, tôi muốn kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để hạn chế đến mức thấp nhất những kẽ hở dẫn đến các hành vi lợi dụng để trục lợi có thể xảy ra; các cơ quan chức năng tăng cường công tác hậu kiểm để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo pháp luật những hành vi vi phạm.
Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có biện pháp chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm của mình, cung cấp cho người tiêu dùng các dấu hiệu nhận biết, trên hết là nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng là bảo vệ cho chính uy tín thương hiệu của mình.
Về phía người tiêu dùng, theo tôi cần tìm hiểu kỹ thông tin để tránh mua phải hàng giả, nói không với hàng giả, dù giá rẻ, kịp thời thông báo cơ quan chức năng khi phát hiện hoặc mua phải hàng giả.
Thực tế, vừa qua cũng chính từ thông tin tố giác của người tiêu dùng, nhiều vụ hàng giả đã bị phanh phui. Báo chí đã chứng tỏ vai trò rất lớn trong việc điều tra phát hiện và cảnh báo cho cơ quan chức năng cũng như người tiêu dùng, rất mong các cơ quan truyền thông tiếp tục vào cuộc./.
- Xin cảm ơn ông./.