Hiện đã có trên 20 ngân hàng thương mại đang triển khai Basel II, trong đó có 12 ngân hàng công bố hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II trước thời hạn. Một vài ngân hàng đã bắt đầu áp dụng quy chuẩn nâng cao và có những bước chuẩn bị để hướng tới Basel III.
Basel 2 làm minh bạch, lành mạnh hệ thống
Là một trong những ngân hàng vừa thông báo áp dụng quy trình đánh giá nội bộ mức độ đủ vốn (ICAAP), hoàn thành toàn bộ 3 trụ cột của Basel II trước hạn, Tổng Giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê cho biết: “Trong quá trình triển khai ICAAP, ngoài việc tính toán lượng vốn cần đáp ứng cho toàn bộ các rủi ro trọng yếu, SHB đã xây dựng các mô hình kiểm tra sức chịu đựng (stress-test) để đánh giá mức đủ vốn trong 3 năm tiếp theo trong cả điều kiện bình thường và điều kiện diễn biến bất lợi.”
Một lãnh đạo ngân hàng chia sẻ điều thú vị trong quá trình triển khai áp dụng Basel II mà ngân hàng này đã trải nghiệm là Basel II không chỉ làm lành mạnh hóa và minh bạch hóa toàn bộ quy trình quy định nội tại của ngân hàng mà còn có tác động tích cực và thiết thực đối với các khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp.
[Các ngân hàng thương mại lớn kiến nghị được tăng vốn điều lệ]
Basel II yêu cầu các ngân hàng áp dụng các hệ số rủi ro khác nhau đối với các phân khúc khách hàng, sản phẩm và loại tài sản đảm bảo khác nhau, từ đó quyết định đến mức vốn của ngân hàng. Do vậy, để tối ưu hóa vốn chủ sở hữu, các ngân hàng sẽ có xu hướng ưu tiên cấp tín dụng và giảm giá cho vay đối với các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, minh bạch, hệ số nợ tối ưu, tài sản đảm bảo tốt, có xếp hạng tín nhiệm tốt và có rủi ro tín dụng thấp.
Điển hình tại VIB, bản thân các khách hàng doanh nghiệp của ngân hàng sẽ tự chuyển đổi nội bộ, cải tiến hệ thống quản trị và vận hành doanh nghiệp để phù hợp hơn với các tiêu chí theo chuẩn quốc tế của ngân hàng và nhờ đó chi phí vay cho các doanh nghiệp này cũng tối ưu hơn.
Tính đến thời điểm này đã có trên 20 ngân hàng đang triển khai Basel II và có 12 ngân hàng đã hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II trước thời hạn là: VIB, Vietcombank, SeABank, VPBank, TPBank, MSB, VietCapitalBank, Shinhan Việt Nam, SHB, LienVietPostBank, HDBank và Ngân hàng Bản Việt.
Theo các chuyên gia, việc hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II giúp các ngân hàng không chỉ đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn mà còn bước đầu đáp ứng các yêu cầu về quản trị điều hành, quản lý rủi ro, quản lý vốn theo chuẩn mực quốc tế. Đây là nền tảng quản trị để giúp các ngân hàng phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả, cải thiện xếp hạng tín nhiệm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Được biết, theo quy định tại Thông tư 13/2010/TT-NHNN và Thông tư 36/2014/TT-NHNN, TCTD phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 9% giữa vốn tự có so với tổng tài sản "Có" rủi ro theo Basel I.
Việc triển khai Basel II đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, sự đầu tư lớn về tài chính, nguồn nhân lực, hệ thống công nghệ thông tin, năng lực thanh tra. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 41/2016/TT-NHNN và Thông tư 13/2018/TT-NHNN để triển khai 3 trụ cột theo phương pháp tiêu chuẩn Basel II.
Bài toán về vốn vẫn đang là vướng mắc lớn để các ngân hàng đạt được yêu cầu, đáp ứng chuẩn Basel II, đặc biệt trong bối cảnh thị trường diễn biến không thuận lợi, trong khi các ngân hàng vẫn đang tập trung xử lý nợ xấu của nhiều năm trước.
Cuối năm 2019 Ngân hàng Nhà nước đã phải lùi thời gian cho các ngân hàng chưa áp dụng đầy đủ các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn Basel II đến trước ngày 1/1/2023 thay vì 1/1/2021. Điều này còn trở nên khó khăn hơn khi hiện nay ngân hàng lại phải dành nguồn lực để cơ cấu lại nợ, giảm lãi, giảm phí hỗ trợ khách hàng và nền kinh tế vượt qua đại dịch COVID-19.
Thế nhưng, hiện vẫn còn một số ngân hàng vẫn chưa thể áp dụng Thông tư 41. Đồng cảm với các ngân hàng, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc áp dụng Thông tư 41 theo chuẩn Basel II không phải là chuyện dễ dàng vì các ngân hàng phải tính toán hệ số rủi ro cho nhiều món nợ khác nhau. Các ngân hàng cũng phải thu thập những dữ liệu của những năm trước về danh mục tín dụng cụ thể và đưa ra một xác suất về vỡ nợ cho khách hàng. Đặc biệt, các ngân hàng phải kêu gọi được vốn để nâng hệ số an toàn…
“Với những khó khăn như thế, một số ngân hàng sẽ không có khả năng áp dụng Thông tư 41 ngay trong năm 2020. Chúng ta hy vọng thêm 1 năm nữa thì các ngân hàng sẽ đáp ứng được yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước vì không còn lựa chọn nào khác là phải tìm mọi cách để áp dụng Thông tư 41. Đến cuối năm 2021, những ngân hàng nào không thực hiện áp dụng Thông tư 41, tôi nghĩ có thể sẽ bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt,” ông Hiếu nhận định.
Tiến tới Basel III
Trên thực tế, một số các ngân hàng đã hoàn thành 3 trụ cột Basel II đã và đang tiến tới áp dụng Basel III. Basel III là khuôn khổ quản lý rủi ro với những tiêu chí chặt chẽ hơn Basel II, được Uỷ ban Giám sát Ngân hàng Basel (BCBS) công bố năm 2010. Mục tiêu của chuẩn mới là đối phó với khủng hoảng tài chính, nâng cao tính bền vững của hệ thống ngân hàng, góp phần ngăn ngừa những tổn thất hệ thống có thể xảy ra trong tương lai.
Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc SHB cho biết ngân hàng này dự kiến sẽ đầu tư, phát triển Basel II theo phương pháp nâng cao và hướng tới chuẩn mực Basel III. Đây là cơ sở để ngân hàng tiếp tục phát triển chiến lược kinh doanh bền vững, toàn diện, là hành lang cho việc quản trị rủi ro và sử dụng vốn một cách hiệu quả, từ đó cung cấp các sản phẩm tài chính, phi tài chính an toàn, tin cậy và minh bạch dành cho khách hàng.
Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc VIB cũng chia sẻ tháng 10/2020, VIB đã trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên thí điểm áp dụng chuẩn mực quản trị rủi ro thanh khoản theo Basel III với việc triển khai thành công hệ thống công cụ đo lường tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng (Net Stable Funding Ratio - NSFR).
“Theo Basel III, một ngân hàng thực sự lành mạnh và phát triển bền vững sẽ có chỉ số này lớn hơn 100%. Sau khi áp dụng chuẩn mực này, chỉ số này của VIB tại thời điểm cuối tháng 10/2020 là 120%, tương đương với ngân hàng hàng đầu của Singapore là DBS và của Úc là CBA,” ông Vũ cho biết.
Cũng có những kế hoạch để tiệm cận với Basel III, lãnh đạo MSB cho biết ngân hàng này đang bắt đầu xây dựng quy chuẩn để tiến tới áp dụng Basel III trong nội bộ.
Trong năm 2021, MSB sẽ bắt đầu triển khai đo lường và quản trị rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường theo chuẩn mực Basel III, triển khai theo phương pháp nâng cao theo chuẩn mực Basel II đối với rủi ro tín dụng và triển khai IFRS 9 (chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế)./.