Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai Nguyễn Anh Ninh cho biết lãnh đạo địa phương này đã chủ động chuẩn bị về cơ sở vật chất để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn.
Cụ thể, từ năm 2014, Lào Cai đã rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp, giảm điểm trường lẻ, đưa toàn bộ học sinh từ lớp 3 từ các điểm lẻ về trường chính. Trường chính được tập trung xây dựng cơ sở vật chất để đảm bảo điều kiện dạy học có chất lượng.
Tỉnh đã đầu tư 327 tỷ đồng để trang bị cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục cho các trường. Cụ thể, Lào Cai đã hoàn thành xây dựng khoảng 2.000 phòng nhà công vụ và nhà bán trú cho giáo viên và học sinh vùng cao, với kinh phí 205 tỷ. Tỉnh đầu tư xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh, bếp ăn cho các trường bán trú với kinh phí khoảng 122 tỷ đồng.
[Lào Cai: Phụ huynh đến trường làm giáo viên dạy nghề truyền thống ]
“Từ nay đến năm 2020, Lào Cai quyết tâm xóa toàn bộ phòng học tạm, là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, với kinh phí đầu tưu khoảng 800 tỷ đồng,” ông Ninh nói.
Cũng theo ông Ninh, trong các năm qua, Lào Cai đã chủ động tiếp cận và đổi mới phương pháp, nội dung giáo dục. Các trường học chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong học sinh trung học phổ thông.
Địa phương này đã xây dựng các mô hình trường học theo hướng học đi đôi với hành, kết hợp giáo dục nhà trường-gia đình-xã hội, như mô hình trường trường học nông trại (áp dụng khao học và kỹ thuật vào trồng trọt chăn nuôi), mô hình trường học du lịch (trường là một địa chỉ du lịch, mỗi giáo viên và học sinh là một hướng dẫn viên, đón khách giao lưu văn hóa), mô hình trường học đa văn hóa… “Những cách làm này đã tạo ra sức sống mới của giáo dục Lào Cai,” ông Ninh nói.
Theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng theo hình thức cuốn chiếu, từ năm học 2020-2021 với lớp 1, từ năm học 2021-2022 với lớp 6 và từ năm học 2022-2023 với lớp 10./.