Lào Cai tìm giải pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp

Để giảm thiểu rủi ro thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, Lào Cai đã tập trung đầu tư, cơ cấu lại ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hoa màu của người dân ở Lào Cai bị thiệt hại nghiêm trọng do mưa lũ. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Hoa màu của người dân ở Lào Cai bị thiệt hại nghiêm trọng do mưa lũ. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Trong 10 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xảy ra 37 đợt rét đậm, rét hại; hàng trăm trận mưa lớn, lũ quét, hàng trăm đợt sạt lở đất, gây tổng thiệt hại về kinh tế trên 6.000 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, tại Lào Cai đã xảy ra 23 đợt thiên tai gây thiệt hại lớn về người, tài sản khiến 18 người chết và bị thương. Ước tổng giá trị thiệt hại về kinh tế trên 1.100 tỷ đồng; trong đó riêng thiệt hại do nắng nóng, thiếu nước là trên 751 tỷ đồng.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Lào Cai, từ cuối tháng 11/2023 đến tháng 4/2024, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá, rét đậm, rét hại, sương muối sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động sản xuất ở các khu vực trên phạm vi toàn tỉnh; đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa, từ nửa cuối tháng 11/2023.

Để giảm thiểu rủi ro thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, Lào Cai đã tập trung đầu tư, cơ cấu lại ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi cây trồng, nhân rộng các mô hình sản xuất sinh kế có hiệu quả như mô hình trồng mới và thâm canh cây ăn quả theo hướng VietGAP; trồng rau an toàn; dự án xây dựng mô hình trồng thâm canh tạo nguồn thức ăn quanh năm cho trâu bò các tỉnh miền núi phía Bắc...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai Lê Tân Phong cho biết trước tác động bất lợi của thời tiết, Lào Cai đã đẩy mạnh các biện pháp thông tin tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, kết hợp với đào tạo, tập huấn, xây dựng các mô hình để chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm cho từng người dân, từng hộ gia đình và cả cộng đồng. Tuy vậy, để giải pháp kỹ thuật đi vào thực tiễn và đạt hiệu quả cao, bền vững, vẫn cần các giải pháp căn cơ, khả thi hơn trong thời gian tới.

Ngày 24/11, tại tọa đàm “Giải pháp sinh kế thích ứng với giảm thiểu rủi ro thiên tai vì cộng đồng” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai tổ chức, các đại biểu cho rằng để thích ứng, giảm nhẹ tác hại của rét đậm, rét hại, sương muối - loại hình thiên tai điển hình đối với sản xuất nông nghiệp tại Lào Cai, cần sử dụng giống cây trồng vật nuôi có khả năng chịu lạnh tốt.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khuyến cáo Lào Cai cần sử dụng giống lúa lai, ngô lai F1, các giống lúa thuần thuộc dòng Japonica có gene chịu lạnh; giống rau, cây ăn quả có nguồn gốc á nhiệt đới, ôn đới...

Đối với khu vực núi cao, nơi có nguy cơ xuất hiện băng giá, sương muối cao trong mùa đông như Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà... không bố trí trồng các loại cây lâu năm kém chịu lạnh như: càphê, cao su, cây ăn quả nguồn gốc nhiệt đới.

Nếu trồng các loại rau, hoa cao cấp, người dân cần xây dựng nhà lưới, nhà màng để hạn chế thiệt hại do rét hại, sương muối.

Theo ông Ngô Quyền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai thời gian qua, tại Lào Cai đã có hàng trăm ha đất được chuyển đổi sang các cây trồng phù hợp: rau ngắn ngày, dâu tằm, cây ăn quả chịu hạn, chịu ngập úng..., qua đó, đã tận dụng được diện tích đất mà trước đây rất khó canh tác để đưa vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục