Lào Cai và Sơn La khẩn trương khắc phục hậu quả và ứng phó với mưa lũ

Những ngày qua, mưa lớn đã gây nhiều thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và cơ sở vật chất trên địa bàn các tỉnh Lào Cai và Sơn La.

Nhà dân tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương có nguy cơ bị sập sau mưa lớn. (Ảnh: TTXVN phát)
Nhà dân tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương có nguy cơ bị sập sau mưa lớn. (Ảnh: TTXVN phát)

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai cho biết trận mưa lớn từ đêm 28/7 đến sáng 29/7 đã gây nhiều thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và cơ sở vật chất trên địa bàn.

Tính đến 16 giờ ngày 29/7, đã có gần 25ha lúa, hoa màu, cây ăn quả, cây lâm nghiệp bị thiệt hại, chủ yếu tập trung tại các xã Kim Sơn, Cam Cọn của huyện Bảo Yên và thị trấn Mường Khương.

Cũng tại hai huyện này, có 3 nhà bị ảnh hưởng do mưa lớn. Trong đó, 1 nhà ở tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương có nguy cơ đổ; 1 nhà bị tốc mái trên 70% tại xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên; 1 nhà bị hư hỏng công trình phụ trợ, sạt taluy dương sau nhà tại xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên.

Đặc biệt, tại các địa phương vùng cao của Lào Cai, một số tuyến đường bị ngập lũ và sạt lở.

ttxvn_2907_lao cai (2).jpg
Có khoảng 15,5ha lúa, mạ tại xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên bị thiệt hại. (Ảnh: TTXVN phát)

Cụ thể, tại ngầm tràn khu vực Thác Tà Lâm thuộc Tỉnh lộ 154 đoạn từ thị trấn Mường Khương đi xã Nậm Chảy bị nước lũ tràn qua đường gây cản trở phương tiện lưu thông.

Ba tuyến đường huyện, xã như đường liên xã Thanh Bình đi xã Nậm Chảy (Mường Khương) sạt lở taluy dương tại địa phận thôn Thính Chéng (xã Thanh Bình) với khối lượng khoảng 300m3, gây chia cắt giao thông.

Tuyến đường Nậm Trà, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng bị sạt lở taluy dương với chiều dài 40m, ước khối lượng khoảng 3.200m3.

Tuyến đường nội thôn 3AB (xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên) bị sạt lở taluy âm chiều dài 35m sát mép đường bêtông ximăng với khối lượng khoảng 40m3.

Ngoài ra còn một số tuyến đường khác của xã Kim Sơn bị cây đổ làm ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện Bảo Thắng, Mường Khương, Bảo Yên đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các xã huy động các lực lượng tại chỗ giúp đỡ gia đình có nhà bị thiệt hại dọn dẹp vệ sinh, gia cố lại nhà ở, khắc phục các tuyến đường bị sạt lở, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Đến thời điểm 18 giờ 30 cùng ngày, xã đang triển khai các biện pháp khắc phục tạm thời, đảm bảo sinh hoạt và đi lại của nhân dân.

ttxvn_2907_lao cai (3).jpg
Sạt lở taluy dương tại địa phận thôn Thính Chéng xã Thanh Bình, huyện Mường Khương với khối lượng khoảng 300m3 gây chia cắt giao thông. (Ảnh: TTXVN)

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lào Cai, từ ngày 29/7-1/8, do chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ kết hợp với vùng hội tụ gió trên cao hoạt động mạnh dần, nên các địa phương trong tỉnh Lào Cai có mưa, mưa vừa và dông rải rác, có nơi mưa to đến rất to.

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có mưa kéo dài, đất đã ngấm no nước, kết cấu kém, do đó rất dễ xảy ra sạt lở, lũ quét.

Để chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó, ngày 29/7, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát các hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập úng để có phương án di chuyển kịp thời; chỉ đạo quyết liệt phương án sơ tán, di chuyển ngay những hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ trượt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn; phổ biến, tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng, chống sét đánh.

Các địa phương tổ chức lực lượng tuần tra, cảnh giới, cắm biển cảnh báo những vị trí ngầm tràn có nguy cơ xảy ra ngập úng, lũ ống, lũ quét, khu vực có nguy cơ sạt lở đất... để hướng dẫn người dân, các phương tiện qua lại đảm bảo an toàn; thông báo cho người dân không nghỉ qua đêm tại lều, lán, nương, rẫy; không đi làm nương, chăn thả gia súc xa nơi cư trú, không vớt củi, đánh bắt cá tại các sông, suối khi nước lũ lên cao; đồng thời sẵn sàng phương án tiêu nước chống úng bảo vệ sản xuất, khu công nghiệp, khu đô thị.

Còn tại Sơn La, từ ngày 23-28/7, mưa lũ trên địa bàn tỉnh đã làm 9 người chết, 1 người mất tích, 5 người bị thương; thiệt hại trên 2.300 ngôi nhà; ngập và cuốn trôi khoảng 1.688ha lúa; ngập trên 238ha hoa, rau màu; 187 con gia súc bị chết và 9.587 con gia cầm bị cuốn trôi; gãy đổ, nghiêng 25 vị trí cột điện trung thế, 101 vị trí cột điện hạ thế; 2 trạm biến áp bị đổ, cuốn trôi và ngập nước; 2.765m dây điện hạ thế và 23 hòm côngtơ bị hư hỏng... Ước tổng thiệt hại trên 315 tỷ đồng.

ttxvn_2907_son la.jpg
Mưa lớn kéo dài gây ngập sâu tại thành phố Sơn La, ảnh hưởng đến việc đi lại và sinh hoạt của nhân dân. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp tỉnh Sơn La đã triển khai khắc phục hậu quả.

Ngày 29/7, Công ty Điện lực Sơn La cho biết toàn tỉnh đã khôi phục cấp điện trở lại cho hơn 17.000 khách hàng, đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Tuy nhiên, vẫn còn gần 900 khách hàng ở các xã Chiềng Nơi, Chiềng Chung, Mường Chanh, huyện Mai Sơn; Tông Cọ, Bản Lầm, huyện Thuận Châu; xã Nậm Ty, huyện Sông Mã đang bị gián đoạn cung cấp điện. Những nơi này do nhiều vị trí cột điện, trạm biến áp bị trôi, ngập sâu nên phải mất nhiều thời gian mới có thể khôi phục lại được.

Theo Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, từ đêm 29 đến ngày 31/7, trên địa bàn tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông; có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40-100mm và có nơi trên 120mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục