Lao động người nước ngoài sẽ hưởng lương hưu tại Việt Nam từ năm 2018?

Từ năm 2018, lao động người nước ngoài tại Việt Nam là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, như vậy, các quy định sẽ phải tính toán đến việc đóng, hưởng chế độ bảo hiểm với nhóm lao động này.
(Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Từ 1/1/2018, lao động người nước ngoài tại Việt Nam cũng là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Thế nhưng việc đóng và hưởng chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ cần quy định cụ thể để khi quy định triển khai trong thực tế không gặp nhiều vướng mắc.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thông tin định kỳ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức ngày 23/5 tại Hà Nội.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Nghị định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam với các chế độ bảo hiểm cơ bản gồm ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất.

Quy định tham gia bảo hiểm xã hội được áp dụng cho lao động nước ngoài có hợp đồng từ một tháng trở lên. Các chế độ bảo hiểm, mức đóng tương tự như bảo hiểm xã hội bắt buộc cho lao động Việt Nam.

Mức đóng bảo hiểm xã hội áp dụng hàng tháng là 8% lương vào quỹ hưu trí và tử tuất. Chủ doanh nghiệp đóng tối đa bằng 18% tháng lương chi trả cho lao động, gồm 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất; 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội gồm mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Bà Đinh Thu Hiền, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội cho rằng, ngoài quy định việc đóng quá trình xây dựng quy định cần làm rõ việc giải quyết các chế độ bảo hiểm. Người nước ngoài đã tham gia bảo hiểm xã hội tại nước ngoài, nay tiếp tục tham gia tại Việt Nam thì thời gian ở nước ngoài tính và hưởng như thế nào? Nếu được hưởng thì khi họ đang tham gia tại Việt Nam và đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí thì việc hưởng và chi trả như thế nào?

“Trường hợp hết thời gian làm việc tại Việt Nam, nếu người lao động không muốn nhận trợ cấp một lần mà muốn chuyển về nước để đóng tiếp thì giải quyết chế độ như thế nào?” - bà Hiền ​đặt câu hỏi.

Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng lưu ý cần phải bổ sung những giấy tờ, hồ sơ như giấy khai sinh của con, giấy chứng nhận người lao động nhận nuôi con nuôi, giấy chứng tử, xác minh quan hệ thân nhân... để thuận lợi khi giải quyết, chi trả chế độ bảo hiểm xã hội./.

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã bổ sung quy định tại Khoản 2, Điều 2, theo đó từ ngày 01/01/2018 mở rộng đối tượng áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam "là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ”.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục