Lao động Việt Nam 'rộng cửa' làm việc tại thị trường Nhật Bản

Với đa số phiếu thuận, dự luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi chính thức được Thượng viện Nhật Bản thông qua và có hiệu lực từ tháng 4/2019 và sẽ mở rộng cơ hội việc làm cho lao động Việt.
Lao động học tiếng Nhật trước khi sang Nhật Bản làm việc. (Ảnh: Anh Tuấn/Vietnam+)

Thị trường Nhật Bản đang trở thành thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam trong những năm gần đây. Việc làm tốt cùng với thu nhập hấp dẫn là những lý do khiến Nhật Bản trở thành thị trường xuất khẩu lao động mà người lao động mong muốn được sang làm việc nhất hiện nay. Tới năm 2019, cơ hội việc làm tại thị trường này với lao động Việt lại càng “rộng cửa” hơn.

“Mở cửa” với lao động nước ngoài

Với đa số phiếu thuận, dự luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi chính thức được Thượng viện Nhật Bản thông qua vào ngày 8/12 và có hiệu lực từ tháng 4/2019. Dự luật sẽ mở rộng cơ hội sang Nhật Bản làm việc cho lao động Việt Nam.

Theo nội dung dự luật, chính phủ Nhật Bản sẽ cấp Visa kỹ năng đặc thù loại 1 có thời hạn tối đa 5 năm cho lao động trong 14 ngành nghề và visa kỹ năng đặc thù loại 2 không giới hạn thời gian cho những lao động giàu kỹ năng trong 5 ngành nghề: Xây dựng, đóng tàu, sửa chữa bảo dưỡng ô tô, hàng không và lưu trú khách sạn.

Ông Nguyễn Viết Hương, Phó Cục Trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, theo nội dung trong luật, trước mắt, Nhật Bản sẽ tiếp nhận lao động nước ngoài trong 14 ngành nghề: Xây dựng, đóng tàu/công nghiệp tàu thủy, nông nghiệp, hộ lý, lưu trú, sản xuất thực phẩm/ đồ uống, nhà hàng, ngư nghiệp, vệ sinh tòa nhà, công nghiệp rèn đúc, công nghiệp điện/điện tử/thông tin, bảo dưỡng/sửa chữa ôtô và hàng không.

“Về cơ bản, nguồn nhân lực của Việt Nam đều có thể đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận của phía Nhật Bản theo chính sách mới. Tuy nhiên, để đáp ứng mục tiêu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta sẽ đặt trọng tâm hơn trong việc phái cử người lao động trong các nghề như: Đóng tàu, công nghiệp rèn đúc, công nghiệp điện/điện tử/thông tin, bảo dưỡng/sửa chữa ôtô và hàng không…,” ông Nguyễn Viết Hương nhấn mạnh.

Theo ông Hương, với nghề xây dựng, do đặc thù công việc nặng nhọc, vất vả, phải di chuyển nhiều… sẽ khó hấp dẫn được người lao động lựa chọn nếu Nhật Bản không có chính sách thu hút.

Với dự luật mới, Nhật Bản ước tính sẽ tiếp nhận 345.000 lao động nước ngoài trong 5 năm tới. Dự luật đang mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm tại Nhật Bản cho lao động Việt Nam.

Chi phí ngày càng thấp

Cùng với nhu cầu tuyển dụng cao, chi phí đi thị trường Nhật Bản cũng đang ngày càng thấp. Nếu như trước kia khi nói đến thị trường này, chi phí có thể lên tới 200-300 triệu đồng thì giờ đây chỉ với hơn 100 triệu đồng lao động có thể đi làm việc tại Nhật Bản. Thậm chí số tiền này còn được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay vốn.

Cam kết đưa lao động sang Nhật Bản với tổng chi phí 105 triệu đồng với thời gian làm việc là 3 năm, ông Vũ Quang Hoàng, Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn và hợp tác lao động LACO (LACOLI) cho biết công ty đã ký kết hợp tác với 18 nghiệp đoàn và đang đang tuyển dụng lao động đi làm việc trong các ngành: Chế biến thực phẩm, thủy hải sản, may mặc, điện tử, mộc, xây dựng, cơ khí…

Đánh giá về thị trường Nhật Bản, ông Vũ Quang Hoàng nhận định: “Số lượng lao động đi Nhật Bản của công ty năm 2018 đã tăng gấp đôi so với năm 2017 và nhu cầu tuyển dụng trong năm 2019 được dự báo tiếp tục tăng cao. Nhu cầu tuyển dụng lớn, điều kiệm làm việc, tiền lương của thị trường Nhật Bản lại rất hấp dẫn, do đó công ty tôi lựa chọn đây là thị trường chính của công ty."

Bên cạnh đó, ông Hoàng cho biết doanh nghiệp này có một số đơn hàng tuyển lao động yêu cầu trình độ chỉ tốt nghiệp cấp 2 (tức trung học cơ sở), điều này mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm đối với lao động Việt Nam, đặc biệt là lao động tại các địa bàn các xã, huyện nghèo.

Lao động có mong muốn đi làm việc ở Nhật Bản còn có thể đăng ký tham gia chương trình IM Japan của Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội). Đối với chương trình này, người lao động không mất bất cứ chi phí môi giới nào mà chỉ phải nộp chi phí làm hộ chiếu, lệ phí Visa, chi phí khám sức khỏe, chi phí đào tạo dự bị tiếng Nhật, chi phí ăn, ở, đi lại trong thời gian đào tạo tại Việt Nam.

[Tuyển chọn 500 thực tập sinh đi Nhật Bản không mất phí môi giới]

Mỗi đợt tuyển dụng, chương trình IM Japan sẽ chọn 500 ứng viên sang Nhật Bản làm việc trong ngành xây dựng và sản xuất chế tạo. Người lao động khi tham gia chương trình trong 3 năm được hưởng mức lương theo hợp đồng trong khoảng từ 25 triệu đồng/tháng đến 30 triệu đồng/tháng. Sau khi hoàn thành chương trình thực tập, về nước đúng thời hạn, người lao động sẽ được hỗ trợ một khoản tương đương 120-200 triệu đồng để khởi nghiệp.

Tính đến nay, Việt Nam đã phái cử được trên 200.000 lao động sang tu nghiệp và thực tập tại Nhật Bản. Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước dẫn đầu về số lượng phái cử hàng năm lẫn số lượng thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản trong số 15 quốc gia đang phái cử. Dự kiến, số lượng lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cùng với sự “mở cửa” của dự luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi./.

Theo quy định của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về chi phí phải nộp khi đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản, người lao động chỉ phải đóng khoản tiền phí dịch vụ tối đa 1.200 USD/năm nếu hợp đồng 3 năm là 3.600 USD (khoảng 84 triệu đồng). Khoản tiền này được vay toàn bộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục