Bước vào thời kỳ cao điểm hạn hán, nắng nóng kéo dài đã khiến cho toàn bộ lâm phần rừng tràm U Minh Hạ của tỉnh Cà Mau đang khô hạn nhanh. Hiện hàng nghìn hécta rừng tràm đang ở mức báo cháy cao, nguy hiểm.
Dự báo được tình hình, ngành chức năng địa phương đang tăng cường triển khai công tác phòng, chống cháy rừng. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ vào giữ rừng đã bước đầu phát huy hiệu quả tích cực.
Năm nay, việc giữ rừng trong mùa khô của anh Nguyễn Hoành Huynh và các cán bộ ở Vườn Quốc gia U Minh hạ đã đỡ vất vả hơn so với những năm trước. Nhờ lắp hệ thống camera quan sát, lực lượng bảo vệ rừng không phải thường xuyên tổ chức các buổi đi tuần tra sâu tại các điểm trong rừng.
Anh Nguyễn Hoành Huynh chia sẻ hệ thống camera sẽ nhận biết cảnh báo về khói cũng như tầm soát nhiệt và báo về trung tâm. Dữ liệu vừa được tự động lưu lại vừa được báo qua hệ thống truyền dẫn và báo cả qua điện thoại của những người được cài đặt liên kết, từ đó kịp thời phát hiện nếu có cháy.
[Chủ động phòng, chống cháy rừng Vườn Quốc gia U Minh Hạ trong mùa khô]
Hiện hệ thống camera được lắp đặt tại các chòi quan sát tại Phân khu Bảo vệ nghiêm ngặt và Phân khu Hành chính dịch vụ của vườn với độ cao 26m. Camera gồm 4 mắt: 2 mắt dùng để quét nhiệt và 2 mắt dùng để ghi hình ảnh, với tính năng xoay được 360 độ, hỗ trợ giám sát cả ngày lẫn đêm với tầm nhìn lên đến 5km, bao quát khoảng 2.500ha rừng nên có thể phát hiện các điểm phát lửa ở những nơi xa.
Hệ thống camera với độ phân giải 4K, có khả năng phóng to chi tiết khu vực từ 30-40 lần để chụp ảnh, ghi hình, quan sát được các vật thể, vệt khói ở khu vực xa, phát hiện các đám cháy rừng khi mới bắt đầu.
Khi có cháy, hệ thống camera truyền hình ảnh về máy chủ đặt tại trung tâm điều khiển qua màn hình hoặc qua điện thoại thông minh của từng cá nhân đang làm nhiệm vụ bảo vệ rừng.
Anh Quách Văn Tường - cán bộ trực tiếp tham gia công tác trực phòng cháy, chữa cháy rừng đánh giá khi chưa lắp camera, anh em sẽ thay phiên nhau trực theo ca, mỗi ca 2 giờ. Khi có camera, không những giảm được công sức, lực lượng bảo vệ rừng còn có thể quan sát toàn diện hơn, phát hiện đám cháy rất nhanh.
Theo ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, sau một thời gian sử dụng, Chi cục sẽ đánh giá tính hiệu quả của hệ thống. Nếu đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng so với quản lý, giám sát bằng trực quan truyền thống, đơn vị sẽ đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh cho phép triển khai lập dự án đầu tư lắp đặt camera chuyên dụng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh.
Rừng U Minh Hạ có diện tích khoảng 35.000ha, trong đó 8.256 ha thuộc Vườn Quốc gia U Minh Hạ và 23.965ha do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ quản lý.
Ông Lê Thanh Dũng, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ cho biết gần 7.000ha rừng tràm của đơn vị bị khô hạn, trong đó 1.700ha rừng ở mức dự báo cháy cấp 3. Hệ thống camera quan sát bước đầu mang lại hiệu quả trong công tác hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy rừng. Tuy nhiên, đơn vị không vì vậy mà lơ là triển khai các giải pháp khác.
Trước đó, Vườn Quốc gia U Minh Hạ đã ký kết phối hợp với các chủ rừng giáp ranh trong việc cùng thực hiện phòng cháy, chữa cháy...
“Hiện, đơn vị đã bố trí xuống các trạm chốt 10 tổ máy bơm ở các khu vực trọng điểm. Bên cạnh đó, đơn vị đã triển khai 14 chốt trạm trực 24/24 giờ hàng ngày; thành lập các tổ, với nhiều lực lượng đi tuần tra ở các khu vực dễ cháy. Các tổ tuần tra sẽ đặc biệt lưu ý việc người dân vào rừng bắt ong trái phép trong mùa này, đây là một trong những nguy cơ tiềm ẩn gây cháy rừng hằng năm," ông Lê Thanh Dũng cho biết thêm.
Ngành chức năng tỉnh Cà Mau luôn xác định trong công tác phòng, chống cháy rừng, phòng vẫn là chính bởi vì khi xảy ra cháy rừng dù có dập tắt nhanh đến đâu cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và đời sống của nhiều loại động thực vật hoang dã dưới tán rừng tràm.
Mới đây, tỉnh Cà Mau đã khởi công xây dựng hồ nước ngọt diện tích 60ha, dung tích chứa 3,85 triệu m3 khối tại xã Khánh An, huyện U Minh, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022.
Công trình hoàn thành không chỉ có nhiệm vụ trữ nước phục vụ sinh hoạt cho 113.780 hộ dân mà còn góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống cháy rừng trong khu vực./.