Lập chi hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn đầu tiên cả nước

Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam tổ chức chương trình hỗ trợ các nạn nhân bom mìn, công bố quyết định thành lập Chi hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh Hà Giang.
Trao quà cho các học sinh nghèo xã Thanh Thủy. (Nguồn: Đỗ Bình/TTXVN)

Ngày 6/2, tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên (Hà Giang), Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam tổ chức chương trình hỗ trợ các nạn nhân bom mìn mang tên “Xuân về trên bãi mìn xưa," công bố quyết định thành lập Chi hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh Hà Giang.

Hội cũng trao 51 phần quà và lắp 20 chân, tay giả cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bom mìn, trao hơn 100 phần quà cho học sinh nghèo trường Trung học cơ sở xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch Hội hỗ trợ và khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, cho biết Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam thành lập từ tháng 11/2014 với nhiệm vụ chính là tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước về nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn; các biện pháp phòng tránh tối đa hậu quả bom mìn, trọng tâm là các địa phương bị ô nhiễm bởi bom mìn; tuyên truyền, vận động các cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế cùng chung tay, góp sức hỗ trợ các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bom mìn tại Việt Nam.

Chi hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh Hà Giang là Chi hội đầu tiên trong cả nước được thành lập, bởi Hà Giang là cái nôi của cách mạng, là địa phương kết thúc chiến tranh muộn nhất, có điều kiện kinh tế khó khăn và chịu ảnh hưởng nặng nề do chiến tranh để lại.

Điều tra sơ bộ năm 2002 cho thấy cả nước có 6,6 triệu ha trên đất liền bị ô nhiễm, chiếm trên 21% diện tích cả nước, chưa kể số bom mìn còn sót trên các vùng biển. Tất cả các địa phương trên toàn quốc đều bị ô nhiễm bom mìn, nặng nhất là khu vực miền Trung và một số tỉnh biên giới phía Bắc như Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng… Trong thời gian 25 năm sau chiến tranh, cả nước có 42.135 người chết, hơn 62.000 người bị thương do bom mìn còn sót lại, trong đó có hơn 30.000 trẻ em vô tội.

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang, đến hết năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 395 người là nạn nhân của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, trong đó 230 người đã tử vong.

Hầu hết gia đình các nạn nhân bị ảnh hưởng bom mìn đều là hộ nghèo, chủ yếu tập trung ở các xã biên giới thuộc khu vực đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Giang, rất cần được hỗ trợ để đảm bảo cuộc sống và mong muốn có một môi trường sống không bị ô nhiễm bởi bom mìn. Việc tổ chức tặng quà và lắp chân tay giả cho các nạn nhân bom mìn ở xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên có ý nghĩa tinh thần rất lớn lao đối với người dân nghèo trên vùng biên giới trong những ngày giáp Tết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục