Lát đá 11 tuyến phố cổ: Lắng nghe mọi ý kiến để điều chỉnh hợp lý

UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định sẽ lắng nghe ý kiến của các đơn vị liên quan, các chuyên gia và nhân dân để làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp trong chủ trương lát đá phố cổ.

Sau khi quận Hoàn Kiếm đề xuất chủ trương lát đá 11 tuyến phố cổ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có văn bản giao các sở ngành chức năng kiểm tra, nghiên cứu, đánh giá sự phù hợp của việc lát đá mặt đường một số tuyến phố này, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố.

Trước việc dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm khẳng định quận tiếp tục lắng nghe ý kiến của các đơn vị liên quan, các chuyên gia và nhân dân để làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp.

Phương án lát đá 11 tuyến phố cổ nằm trong đồ án thiết kế đô thị

Theo ông Phạm Tuấn Long - Phó trưởng Ban quản lý phố cổ Hà Nội, phương án cải tạo mặt đường các tuyến phố đi bộ nằm trong khu phố cổ, cụ thể là đề xuất lát đá 11 tuyến phố cổ, được quận Hoàn Kiếm triển khai nghiên cứu, là phương án gắn với hai đồ án thiết kế đô thị khu vực này.

Đồ án thiết kế đô thị thứ nhất, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy (các tuyến phố này đã triển khai thành tuyến phố đi bộ từ năm 2004). Đồ án thiết kế thứ hai, Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Hàng Giầy (trong đó một phần phố Tạ Hiện đã triển khai lát đá, chỉnh trang mặt đứng từ năm 2011).

Hiện, việc nghiên cứu giải pháp chỉnh trang đô thị bảo tồn kiến trúc, không gian cảnh quan phố cổ đang được Ban quản lý phố cổ (trực thuộc Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm) nghiên cứu.

Ví dụ, 5 tuyến phố thứ nhất, Ban quản lý phố cổ phối hợp cùng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia nghiên cứu; 6 tuyến phố thứ hai, Ban quản lý phố cổ phối hợp cùng Viện kiến trúc Quốc gia nghiên cứu mặt đứng, không gian đường phố (gồm trang thiết bị đô thị, nghiên cứu cải tạo mặt đường).

Hiện, quận đang lập phương án nghiên cứu, tham vấn các chuyên gia, tham vấn người dân trong khu vực để có giải pháp kỹ thuật phù hợp. Khi có đầy đủ cơ sở lập hồ sơ, quận sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền để quyết định.

Lắng nghe ý kiến đóng góp để điều chỉnh hợp lý

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoa cho biết thêm, qua 6 năm triển khai tuyến phố đi bộ Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân và sau một năm triển khai tại 6 tuyến phố ở khu bảo tồn cấp I gồm Hàng Buồm, Mã Mây, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Đào Duy Từ, đã đạt hiệu quả nhất định, tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách. Vì vậy, quận đề xuất thành phố ý tưởng lát đá dưới lòng đường ở tuyến phố đi bộ, vừa phục vụ việc đi bộ, vừa phục vụ các phương tiện giao thông khác.

Đoạn phố thí điểm lát đá Tạ Hiện nhỏ hẹp ít phương tiện tham gia giao thông nhưng khi mở rộng sang 11 tuyến phố thì lượng phương tiện tham gia giao thông nhiều. Do đó, thành phố cũng thận trọng, giao cho các sở, ngành nghiên cứu vấn đề này.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hoa, đây là giai đoạn tiền khả thi, quận Hoàn Kiếm chưa triển khai thực hiện. Việc đưa ý tưởng này cũng là tranh thủ ý kiến nhân dân, ý kiến của các giới, các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, các nhà quản lý.

Hiện nay, quận Hoàn Kiếm đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, cả đồng thuận và không đồng thuận. Qua tập hợp ý kiến, quận sẽ nghiêm túc đánh giá, phân tích, dựa trên cả cơ sở khoa học và thực tiễn, lắng nghe ý kiến người dân để có giải pháp chính thức, hạn chế được bất cập và phát huy mặt tích cực, phục vụ cho cả mục đích trước mắt và lâu dài./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục