Lát đá mặt đường phố cổ: Nhiều người dân ủng hộ về chủ trương

Thực tế từ tuyến phố thí điểm Tạ Hiện, nhiều người dân sinh sống ở các phố cổ Hà Nội đồng tình với chủ trương lát đá mặt đường bởi điều này khiến phố phường khang trang, thu hút khách du lịch hơn.
Ảnh  chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Quận Hoàn Kiếm vừa đề xuất xin chủ trương thành phố Hà Nội lát đá 11 tuyến phố cổ gồm Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy, Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Hàng Giầy, Đào Duy Từ và một phần phố Tạ Hiện bằng nguồn vốn ngân sách.

Tuy nhiên, đề xuất này lập tức vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Trước thực tế đó, quận Hoàn Kiếm đang thận trọng nghiên cứu đề xuất phương án cải tạo, tiếp tục tham vấn ý kiến của các chuyên gia và người dân sống trong khu vực.

Ý tưởng lát đá 11 tuyến phố cổ xuất phát từ mong muốn làm đẹp phố cổ Hà Nội, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch, tạo điều kiện để người dân phát triển thương mại-dịch vụ. Tuy vậy, để ý tưởng mang lại hiệu quả tốt, vừa đảm bảo lợi ích xã hội, vừa đảm bảo cuộc sống người dân trong khu vực phố cổ là vấn đề đáng bàn.

Lát đá phố cổ - nhìn từ đoạn phố thí điểm Tạ Hiện

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, người có nhiều tâm huyết dành cho khu phố cổ Hà Nội đặt vấn đề, cộng đồng cũng như người dân lợi gì từ việc đầu tư cải tạo 11 tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ Hà Nội? Việc đầu tư cải tạo có ảnh hưởng đến giá trị di sản khu phố cổ hay không?

Đó là những câu hỏi mà cơ quan quản lý khu phố cổ Hà Nội cần có câu trả lời rõ ràng để tạo sức thuyết phục trước khi thực hiện chủ trương cải tạo, lát đá 11 tuyến phố cổ mà quận Hoàn Kiếm vừa đề xuất lên thành phố.

Trên thực tế, kiến trúc sư Trần Huy Ánh hay bất cứ ai cũng có thể nhận thấy những điều được và chưa được khi quận Hoàn Kiếm thử nghiệm lát đá một đoạn phố Tạ Hiện, đưa vào sử dụng từ năm 2011.

Sự thay đổi ấy rõ ràng làm cho bộ mặt phố phường đẹp đẽ, khang trang, gia tăng giá trị, tạo một điểm nhấn cho phố cổ Hà Nội. Người dân có điều kiện kinh doanh tốt hơn, du khách đến đây đông hơn và dĩ nhiên người dân được hưởng lợi nhiều hơn.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh đánh giá: “Đây là thành công của Ban quản lý phố cổ Hà Nội cũng như của quận Hoàn Kiếm.”

Ông Phạm Tuấn Long, Phó trưởng Ban quản lý phố cổ thừa nhận: “Khi đoạn phố Tạ Hiện chưa cải tạo, tỷ lệ kinh doanh dịch vụ thấp nhưng sau khi cải tạo đến nay, khu phố này trở thành điểm hấp dẫn du khách, hiệu quả từ dự án được phát huy một cách tối đa. Nhiều chủ kinh doanh không phải là người Việt Nam đã đến thuê lại cửa hàng khu vực này để kinh doanh.”

Ngoài việc lát đá các tuyến phố đi bộ, dự án được thực hiện đồng thời với nhiều giải pháp khác nhằm nâng cao chất lượng đô thị như hệ thống thoát nước được cải thiện, ngầm hóa đường dây, đường ống, công tác phòng cháy chữa cháy…

Tuy nhiên, không thể phủ nhận những điều còn bất cập khi lát đá tại các tuyến phố cổ. Đó là mặt đường có thể xảy ra xô lệch đá khi các phương tiện tham gia giao thông đông; do lát đá nên mặt đường không thấm nước, thoát nước chậm.

Tại phố Tạ Hiện, loại đá lựa chọn để lát có độ ma sát chưa cao, người dân bán hàng ăn uống nên mặt đường bị mỡ bám nhiều, dễ trơn ngã vào những ngày mưa. Những bất cập này khi triển khai dự án, chủ đầu tư chưa lường trước được.

Nhiều ý kiến ủng hộ chủ trương lát đá phố cổ

Nếu so sánh những lợi ích và bất cập từ tuyến phố thí điểm Tạ Hiện thì lợi ích được đánh giá lớn hơn. Những bất cập kể trên có thể khắc phục bằng nhiều giải pháp khác nhau, nếu chính quyền địa phương và đơn vị đầu tư thực sự quan tâm. Vì vậy, ý tưởng lát đá 11 tuyến phố cổ vẫn được nhiều ý kiến ủng hộ.

Khi được hỏi về vấn đề này, ông Trần Miễn, trú tại số nhà 3 phố Tạ Hiện, là Tổ trưởng tổ 25, phường Hàng Buồm cho rằng: “Chúng tôi rất hoan nghênh chủ trương thực hiện thí điểm ở phố Tạ Hiện bởi vì từ khi lát đá một phần phố Tạ Hiện đến nay, bà con buôn bán đông vui hơn, thuận lợi hơn rất nhiều, khách du lịch đến phổ cổ đông hơn, đời sống người dân được nâng lên. Thế nhưng, để thực hiện lát đá 11 tuyến phố cổ thì chính quyền cần nghiên cứu kỹ, tránh xảy ra những bất cập không đáng có.”

Đồng quan điểm trên, bà Trần Thị Thêu trú tại số nhà 53 phố Mã Mây và ông Nguyễn Văn Hùng, người kinh doanh lâu năm tại phố Mã Mây cũng cho rằng: “Chủ trương của quận lát đá cho đường phố đẹp lên là một điều tốt, hợp lòng dân, ai cũng muốn như vậy. Nhưng làm thế nào để hài hòa lợi ích chung với cuộc sống người dân thì quận cần tính toán kỹ.”

Nhiều chuyên gia về kiến trúc cũng tán đồng chủ trương lát đá các tuyến phố cổ. Có ý kiến chuyên gia kiến trúc hàng đầu của Hà Nội cho rằng khu phố cổ là một giá trị di sản vật thể và phi vật thể xuyên suốt nhiều thập kỷ nay. Vì vậy, việc bảo tồn phải đảm bảo giá trị tương ứng của nó và giao thông là vấn đề cần làm. Theo đó, quận Hoàn Kiếm có ý tưởng lát đá các tuyến phố cổ là đã dựa vào Quy chế quản lý kiến trúc-quy hoạch khu phố cổ do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành năm 2013.

Tuy vậy, hiện thực hóa chủ trương đó như thế nào, tại những khu nào lại cần được chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan cân nhắc kỹ lưỡng./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục