Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bảo đảm nghiêm túc, đúng nội dung, quy trình, thủ tục.
Nhấn mạnh "đây không phải lần đầu Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm," Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, chia sẻ ý kiến kể từ lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên vào tháng 6/2013 đến nay, Quốc hội đã 3 lần tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Trong đó, Quốc hội khóa XIII lấy phiếu tín nhiệm hai lần (tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 6/2013 và tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 11/2014). Quốc hội khóa XIV lấy phiếu tín nhiệm một lần tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2018. Lần này là lần thứ tư Quốc hội tiến hành công việc quan trọng này.
[Infographics] Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm
Có thể thấy mỗi lần Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đều tạo hiệu ứng tích cực. Bởi rõ ràng người dân đã thấy việc làm của cả hệ thống chính trị rất trách nhiệm và có trách nhiệm trước nhân dân. Việc lấy phiếu này là thước đo, vừa là khuyến khích, động viên những người có tín nhiệm cao và cũng là cảnh báo đối với những người còn có tín nhiệm thấp.
"Đây là tín hiệu rất tích cực của xã hội hiện đại và đúng với chủ trương, đường lối của Đảng ta là cán bộ phải đáp ứng được sự hài lòng của dân," ông Nguyễn Viết Chức nêu quan điểm.
Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức cũng cho rằng đại biểu Quốc hội là đại biểu của dân. Lá phiếu trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội thể hiện tinh thần xây dựng một hệ thống chính trị lành mạnh, trong sạch, có hiệu quả là rất quan trọng. Lần lấy phiếu này, hầu hết cán bộ ở tất cả các ngành đều có phiếu tín nhiệm cao, số "phiếu tín nhiệm cao" hơn hẳn số "phiếu tín nhiệm thấp." Đây là điều đáng mừng, thể hiện quyết tâm vượt qua khó khăn của cả nước do đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế. Các cán bộ đã thể hiện tốt vai trò của mình trước đại biểu Quốc hội.
Đề cập đến một số cán bộ có số phiếu tín nhiệm còn thấp, ông Nguyễn Viết Chức nhìn nhận việc này phải hết sức chú ý. Bởi đó không chỉ là sự đòi hỏi người cán bộ phải nâng cao hơn nữa năng lực của mình mà đây có thể còn là cảnh báo về những cơ chế nào đó còn đang vướng mắc khiến những người đứng đầu các ngành, các cấp hoạt động chưa đạt hiệu quả.
"Tin là Quốc hội lần này sẽ xem xét để giải quyết những vướng mắc ấy để làm việc có hiệu quả hơn," Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức bày tỏ.
Bày tỏ quan tâm tới việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, bà Đỗ Thị Tám, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hà Thành (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đặc biệt đánh giá cao kết quả lấy phiếu và cho rằng lá phiếu không chỉ là ý chí của người đại biểu mà còn là tiếng nói của cử tri, của nhân dân gửi gắm. Bởi thế trong việc lấy phiếu tín nhiệm này không có chỗ cho cái tôi cá nhân ganh ghét, đố kỵ nhằm hạ uy tín người khác; cũng không có chỗ cho bè phái cục bộ, lợi ích nhóm. Suy cho cùng, việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ đều hướng đến mục đích cao nhất: Vì lợi ích đất nước và nhân dân.
"Một mục đích nữa trong việc này là nhằm giúp cán bộ thấy được mức độ tín nhiệm của bản thân để 'tự soi, tự sửa.' Những người được lấy phiếu đều là các cán bộ có uy tín cao, được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin cậy giao phó trọng trách nên họ có đủ trách nhiệm, trình độ để 'tự soi, tự sửa.' 'Tự sửa' thế nào, mỗi người sẽ thực hiện theo cách của mình với đích cuối cùng là sửa để đảm bảo hiệu quả công việc tốt hơn," bà Đỗ Thị Tám bày tỏ.
"Vừa được lấy phiếu là những cán bộ có bản lĩnh, hiểu trọng trách, vị trí công việc mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Trong 44 cán bộ cấp chiến lược đó, có những người mà công việc của họ làm là trực tiếp với dân, gắn liền với lợi ích của cộng đồng cho nên có thể bị soi xét kỹ lưỡng hơn. Nhưng tôi tin, chính vì điều đấy khiến họ cảm thấy tự hào hơn, vững vàng hơn, tự rèn luyện tốt hơn. Tôi rất tin tưởng những cán bộ này không làm vì phiếu tín nhiệm cao hay thấp. Họ thực hiện nhiệm vụ với tầm suy nghĩ, tầm nhìn hướng tới yêu cầu của đất nước về một giai đoạn phát triển mới. Tôi đặt niềm tin vào họ," bà Đỗ Thị Tám bộc bạch.
"Sau khi có phiếu tín nhiệm, họ sẽ nhìn nhận một cách nghiêm túc để phát huy những điều tốt nhưng đồng thời cũng hạn chế những điều chưa tốt. Đất nước ta có khát vọng lớn, cơ hội vô cùng to lớn, thách thức cũng không phải là nhỏ. Cho nên, hệ thống chính trị và nhân dân đòi hỏi người cán bộ phải có bản lĩnh. Tôi rất tin là sau đợt lấy phiếu tín nhiệm này, các cán bộ trong cả hệ thống chính trị sẽ đóng góp hiệu quả hơn nữa cho xã hội và đặc biệt là chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm," bà Đỗ Thị Tám tin tưởng nói./.