Những ngày vừa qua, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 đã “đánh thức” nhiều di sản trong lòng đô thị như Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Tổng hợp), Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ), hay trước đó là Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu…
Những hàng dài khách tham quan xếp hàng để được vào bên trong các không gian di sản cho thấy những tín hiệu vui rằng di sản có thể trở thành những không gian văn hóa-sáng tạo, là nền tảng để phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch-dịch vụ từ đó tạo đà cho tăng trưởng kinh tế.
Di sản: ‘Thỏi nam châm’ hút khách
Nói về tiềm năng phát triển kinh tế dựa trên di sản, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho hay cả nước đã xếp hạng được hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; 3.621 di tích quốc gia, 130 di tích quốc gia đặc biệt, trên tổng số hơn 40.000 di tích. Khoảng 7.000 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, trong đó có 534 di sản đã được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nhiều di sản văn hóa của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh, gồm 9 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể; 10 di sản tư liệu, trong đó có 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Từ một vài bảo tàng được xây dựng dưới thời Pháp thuộc, hiện nay, hệ thống bảo tàng Việt Nam đã có 127 bảo tàng công lập, 70 bảo tàng ngoài công lập, bảo quản trên 4 triệu hiện vật. Tính đến thời điểm hiện nay, cả nước có 294 hiện vật, nhóm hiện vật đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.
“Chúng ta có quyền tự hào về kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc dân tộc và những thành tựu đã đạt được trong sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa. Đó là nguồn động viên to lớn, giúp chúng ta càng thêm yêu và trách nhiệm với di sản văn hóa dân tộc,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Giáo sư-Tiến sỹ Trịnh Sinh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho hay du khách, nhất là người nước ngoài đến Việt Nam không phải chỉ để hưởng thụ những tiện nghi sang trọng như khách sạn phải nhiều “sao”, có bể bơi, có sân tập thể thao... Những thứ này đối với du khách cũng mới chỉ là điều cần thiết, nhưng không phải là tất cả. Họ đến Việt Nam là để du ngoạn, tìm hiểu một đất nước còn lạ lẫm với họ, nhỏ bé, hiếu khách mà lại nổi tiếng chống lại các đế quốc lớn.
“Tôi hay bắt gặp hình ảnh một vài du khách nào đó đang lang thang đi dọc phố phường Hà Nội vai đeo ba lô nặng, tay cầm bản đồ rồi nghiêng ngó. Được biết, họ muốn có sự trải nghiệm trong chuyến du ngoạn, tự tìm lấy đường, tự hòa vào cuộc sống của cư dân sở tại,” ông Trịnh Sinh chia sẻ.
Theo nhà nghiên cứu Trịnh Sinh, một trong những nơi rất được du khách quan tâm chính là các di tích lịch sử, văn hóa, điển hình như: Di tích nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học…
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cũng nhận thấy những đóng góp của di sản vào việc phát triển kinh tế địa phương ngày càng trở nên tích cực, cụ thể: Quần thể Di tích Cố đô Huế trong năm 2023 thu về hơn 350 tỷ đồng, doanh thu bán vé tham quan Vịnh Hạ Long năm 2023 là hơn 790 tỷ đồng…
“Các di tích tiêu biểu góp phần thu hút du khách đến địa phương, góp phần không nhỏ vào tổng thu ngân sách địa phương hàng năm. Trong những năm tới, nếu không có những yếu tố như thiên tai, dịch bệnh, dự kiến lượng khách du lịch sẽ tiếp tục tăng lên,” ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.
Nhà nước, cộng đồng cùng bảo vệ di sản
Tuy việc phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế đã có những khởi sắc song các chuyên gia cũng nhận thấy công tác du lịch di sản còn nhiều hạn chế, chưa khai thác được tiềm năng của ngành.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng chỉ ra rằng nhận thức của cán bộ và nhân dân chưa đầy đủ nên chưa có những biện pháp bảo tồn di tích toàn diện, vẫn có những hành vi xâm hại, ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan di tích. Thêm vào đó, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc quản lý, bảo vệ, khai thác di tích-di sản chưa đồng bộ, hiệu quả.
“Nếu di tích không được bảo tồn tốt, tính chân xác và sự toàn vẹn của di tích không được gìn giữ thì việc phát huy giá trị di tích nói chung, phát huy giá trị di tích trong giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế không có hiệu quả,” ông Hùng nói.
Theo đó, muốn bảo tồn và phát huy giá trị di tích hiệu quả, trước hết toàn xã hội phải có nhận thức đúng về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích và phải có sự phối hợp tốt giữa các bên liên quan nhà nước-cộng đồng (bao gồm cư dân sở tại, người trụ trì, doanh nghiệp). Các di tích đều cần có quy hoạch dài hơi để bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và phát triển du lịch.
Ngoài ra, muốn bảo tồn tốt di tích cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị quản lý di tích với cơ quan nghiên cứu, tu bổ di tích trong nước và nước ngoài; cần có sự phối hợp giữa đơn vị quản lý di sản với ngành du lịch để phát triển các tuyến du lịch và loại hình, sản phẩm du lịch thích hợp ở trong các khu vực bảo vệ di tích và ở phạm vi lân cận.
Cùng quan điểm, Giáo sư-Tiến sỹ Trịnh Sinh cho rằng Việt Nam là nước chủ trương xác định du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn có phần muộn hơn các nước khác, vì thế cần có sự học hỏi, nhất là những nước làm du lịch có bài bản, vừa đóng góp được cho nền kinh tế phát triển lại vừa giữ được bản sắc truyền thống dân tộc như Nhật Bản, Trung Quốc...
“Phải xác định di sản lịch sử văn hóa là một thứ vốn, cần được khai thác lâu dài, vì thế cần luôn luôn được bảo tồn và giữ gìn. Nhiều di tích đã bị phá hủy do nhận thức, do người dân địa phương không thấy có quyền lợi khi bảo vệ và tôn tạo di tích. Vì thế, tôi đề nghị phải có chính sách để mọi bên đối tác khai thác cái vốn này đều phải có lợi, người dân địa phương cũng phải có phần quyền lợi vật chất bên cạnh lợi nhuận của nhà nước và doanh nghiệp,” ông Trịnh Sinh nói.
Mới đây, có nhiều ý kiến đề xuất thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa. Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa nếu được luật hóa sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý, có cơ chế, chính sách phù hợp yếu tố đặc thù trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, giúp giải quyết rất nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn di sản văn hóa hiện nay. Từ đó, các hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa sẽ kịp thời và dễ dàng hơn.
"Ở đây, khái niệm “lấy văn hóa nuôi văn hóa” là việc sử dụng chính các giá trị văn hóa, di sản và nghệ thuật để tạo ra nguồn lực nuôi dưỡng, phát triển thêm cho văn hóa. Thay vì chỉ dựa vào ngân sách nhà nước hay sự hỗ trợ từ bên ngoài, văn hóa tự tạo ra giá trị kinh tế, từ đó tái đầu tư vào chính nó, đảm bảo sự phát triển bền vững, liên tục và không phụ thuộc," ông Sơn nói.
Ví dụ như việc khai thác di sản văn hóa thông qua du lịch, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hay sáng tạo các sản phẩm văn hóa (phim ảnh, âm nhạc, sách, biểu diễn) để tạo ra doanh thu. Doanh thu này lại được sử dụng để bảo tồn, phục dựng, và phát huy giá trị di sản hoặc tiếp tục thúc đẩy sáng tạo văn hóa mới. Điều này không chỉ tạo nên lợi ích kinh tế mà còn giúp nền văn hóa trở nên sống động, gần gũi với cộng đồng và thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế.
Nói cách khác, “lấy văn hóa nuôi văn hóa” là cách tiếp cận theo hướng kinh tế hóa văn hóa, nhưng ở đây không chỉ vì lợi ích tài chính mà còn để bảo tồn và phát triển văn hóa một cách bền vững.
Cách đây 79 năm, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “về bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam”. Đây là Sắc lệnh đầu tiên của chính thể mới về bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, đặt nền móng, kim chỉ nam, sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa nước nhà.
Xuất phát từ ý nghĩa lịch sử của Sắc lệnh số 65/SL, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg, lấy ngày 23/11 là Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Từ đó tới nay, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng được quan tâm, trở thành nguồn lực quan trọng phát triển đất nước.
Theo chương trình Kỳ họp thứ Tám, ngày 23/11/2024, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Như vậy, kể từ khi ban hành lần đầu tiên năm 2001, với lần sửa đổi này, Luật Di sản văn hóa thực sự sẽ là hành lang pháp lý quan trọng, cập nhật, phù hợp để bảo vệ và phát huy giá trị di sản cho sự phát triển bền vững đất nước.