Lễ đón bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Trần Thương

Tối 21/2, tỉnh Hà Nam long trọng tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Trần Thương và Lễ phát lương Đức Thánh Trần, cầu cho mùa màng bội thu, mưa thuận, gió hòa.
Lễ đón bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Trần Thương ảnh 1Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Bằng di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương cho đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Nam. (Nguồn: TTXVN)

Tối 21/2 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Bính Thân), tỉnh Hà Nam long trọng tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân và Lễ phát lương Đức Thánh Trần, cầu cho mùa màng bội thu, mưa thuận, gió hòa.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Nam, các sở, ban, ngành cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương đã về dự lễ.

Đền Trần Thương thuộc thôn Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Đền là di tích tiêu biểu của tỉnh Hà Nam và cả nước, hội tụ nhiều giá trị lịch sử văn hóa nghệ thuật, tâm linh.

Đền thờ vị anh hùng dân tộc Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng gia quyến và các Bộ tướng có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông thế kỷ XIII.

Trong số các di tích thờ Trần Hưng Đạo Đại Vương trên đất Hà Nam và cả nước, đền Trần Thương là di tích tiêu biểu, có quy mô kiến trúc lớn, ngôi đền thâm nghiêm, cổ kính tọa lạc trên đất thiêng “Hình nhân bái tướng” “Ngũ mã thất tinh,” được xây kiểu “Tứ thủy quy đường.”

Tổng thể kiến trúc cảnh quan ngôi đền gồm nghi môn ngoại, nghi môn nội, 5 tòa, 15 gian, chia thành 3 cung: Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam và hai giải vũ, 5 giếng...

Kiến trúc độc đáo và cảnh quan tự nhiên của đền Trần Thương như nhập đời vào đạo, nhập con người với vũ trụ trong một không gian văn hóa linh thiêng.

Giá trị đền Trần Thương còn được thể hiện ở phần trang trí kiến trúc với các đề tài, họa tiết được chạm khắc công phu như: lưỡng long chầu nguyệt, rồng bay, phượng múa, sóng nước, mây trời…tạo nên một bức tranh thiên nhiên vừa sống động, vừa cổ kính trang nghiêm hàm chứa triết lý dân gian.

Đồ thờ, cổ thư của ngôi đền cũng rất phong phú, quý hiếm. Đặc biệt là pho tượng Đức Thánh Trần trong ban thờ hậu cung với vẻ mặt uy nghiêm của một vị “Thánh” nhân, nhưng vẫn nở nụ cười bao dung, đôn hậu.

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa đặc sắc, năm 2015, Đền Trần Thương đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Lễ phát lương năm nay được tổ chức vào giờ Tý ngày 14 tháng Giêng tại đền Trần Thương, gồm ba phần: lễ rước lương thảo từ kho lương vào trong đền làm lễ, tiếp theo là lễ châm đuốc và dâng hương của các đại biểu và cuối cùng là phần rước lương thảo vào hậu cung làm mật lễ.

Ban Tổ chức phối hợp với nhà đền phát 150.000 túi lương tại 33 điểm. Du khách sẽ nhận được một túi lụa màu đỏ, ngoài ấn và thẻ, bên trong túi lương sẽ có năm loại hạt gồm đỗ đỏ, đỗ xanh, ngô đỏ, đậu tương và nếp cái hoa vàng.

Lễ hội phát lương đền Trần Thương là một trong những lễ hội lớn đầu năm của tỉnh Hà Nam; được tổ chức để tưởng nhớ công lao to lớn của vị Anh hùng dân tộc, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Lễ hội được tổ chức ngay tại ngôi đền chính là nơi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chọn làm kho lương, cung cấp lương thảo cho quân đội trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông thế kỷ thứ 13.

Việc tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích cấp Quốc gia đặc biệt đền Trần Thương và Lễ phát lương Đức Thánh Trần đầu năm tại Đền Trần Thương góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, đồng thời tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của ông cha ta, đặc biệt là thời Trần để động viên nhân dân phát huy truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, bước vào năm mới mọi người hăng say lao động, học tập, công tác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Các đôi bò bứt tốc về đích. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Tưng bừng Hội đua bò Bảy Núi An Giang năm 2024

Tham gia Hội đua bò Bảy Núi năm nay có 64 đôi bò đến từ các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành, thị xã Tịnh Biên (An Giang) và các đôi bò đến từ huyện Giang Thành (Kiên Giang).

Festival Thu Hà Nội 2024

Festival Thu Hà Nội 2024

Với nhiều hoạt động sôi nổi, đầy màu sắc cùng giá trị truyền thống văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của mùa Thu Hà Nội, Festival Thu Hà Nội 2024 hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.