Nhằm góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới; tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê, Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 sẽ được tổ chức từ ngày 10-14/3.
Với chủ đề "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của càphê thế giới," lễ hội cũng nhằm quảng bá thương hiệu Càphê Buôn Ma Thuột, phát triển càphê đặc sản Việt Nam; từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của càphê thế giới,
Thông tin trên được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk công bố trong cuộc họp báo ngày 3/2 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
[Đắk Lắk dừng tổ chức Lễ hội càphê Buôn Ma Thuột năm 2021]
Lễ hội cũng là dịp để Đắk Lắk giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh; xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, chế biến càphê và sản phẩm nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh cho biết tỉnh xác định tổ chức Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 chu đáo, hiện đại, quy mô hơn những lần tổ chức trước và chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông về lễ hội.
Mỗi người dân địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn là một đại sứ truyền thông, đồng thời là đối tượng trực tiếp được hưởng lợi thông qua các hoạt động quảng bá, truyền thông lễ hội.
So với những lần trước, Lễ hội càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 được tổ chức với quy mô lớn hơn, thể hiện xu hướng hội nhập quốc tế với phong cách hiện đại làm nổi bật chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của càphê thế giới.”
Bên cạnh những nội dung khai mạc, bế mạc, lễ hội đường phố... trong khuôn khổ Lễ hội năm nay có 18 hoạt động chính thức và một số hoạt động hưởng ứng của các địa phương với nhiều hoạt động mới như: Cuộc thi video clip giới thiệu về càphê Buôn Ma Thuột “Chuyện kể về càphê Buôn Ma Thuột;” biểu diễn vở ca kịch "Khát vọng Dam Săn;" Lễ hội ánh sáng; triển lãm ảnh nghệ thuật “Văn hóa càphê Việt Nam - hành trình kiến tạo văn hóa thế giới” và “Lịch sử càphê thế giới;” Hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây càphê...
Mỗi người dân địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sẽ là một đại sứ truyền thông, đồng thời là đối tượng trực tiếp được hưởng lợi thông qua đa dạng hoạt động quảng bá, truyền thông lễ hội năm nay.
Hưởng ứng lễ hội, đến nay, 11/15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã đăng ký tham gia, tổ chức các hoạt động như: Tham quan Khu Di tích lịch sử quốc gia Đồn điền CADA và Miếu thờ CADA; Liên hoan biểu diễn Lân-Sư-Rồng khu vực miền Trung Tây Nguyên tại huyện Krông Pắk...
Ban tổ chức lễ hội đang đẩy mạnh các khâu vận động tài trợ, truyền thông, xây dựng kế hoạch và kịch bản các hoạt động, lập danh sách khách mời và phê duyệt mẫu quà tặng/túi tặng.
Ban Tổ chức Lễ hội còn mời hoa hậu H’Hen Niê làm Đại sứ truyền thông của Lễ hội; đây là lần thứ hai hoa hậu H’Hen Niê làm đại sứ truyền thông cho sự kiện quan trọng này.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cà phê hiện là mặt hàng nông sản xuất khẩu thứ hai của Việt Nam, sau lúa gạo. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 1,68 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch khoảng 3,9 tỷ USD.
Theo Đề án phát triển càphê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030 do Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn phê duyệt, càphê đặc sản được định hướng phát triển tại 8 tỉnh, gồm Điện Biên, Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Quảng Trị, với tổng diện tích gần 19.000ha.
Trong đó, giai đoạn 2021-2025, Việt Nam sẽ hình thành cơ chế chính sách, thương hiệu càphê đặc sản Việt Nam. Ban hành các quy trình sản xuất càphê đặc sản Việt Nam; phát triển diện tích sản xuất khoảng 11.500 ha, sản lượng khoảng 5.000 tấn.
Giai đoạn 2026-2030, hoàn thiện cơ chế chính sách, thương hiệu càphê đặc sản Việt Nam; phát triển diện tích sản xuất ở mức 19.000ha, sản lượng khoảng 11.000 tấn./.