Lễ hội Đền Trần Thái Bình: Tưởng nhớ, tri ân công lao bậc tiền nhân

Lễ hội đền Trần năm 2023 tổ chức từ ngày 3 đến 7/2, nhằm tiếp tục khẳng định giá trị Di sản Văn hóa nhà Trần ở Thái Bình, tri ân công lao của các tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước.
Lễ hội Đền Trần Thái Bình: Tưởng nhớ, tri ân công lao bậc tiền nhân ảnh 1Lễ hội đền Trần ở Thái Bình. (Nguồn: TTXVN)

Lịch sử Việt Nam thế kỷ 13-14 (1226-1400) gắn liền với công lao và sự phát triển rực rỡ của vương triều nhà Trần. Dưới đời Trần, các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội đều phát triển cao, tạo nên nền văn hóa đặc sắc của nước Đại Việt thời Trần.

Nếu quần thể đền Trần (Nam Định) là nơi vị họ tổ nhà Trần định cư ban đầu thì vùng đất Hưng Hà (Thái Bình) được xác định là quê hương, là nơi khởi nghiệp của gia tộc họ Trần cách đây hơn 700 năm.

Đền thờ các vua Trần trên đất phát tích Thái Bình, còn gọi là Thái Đường Lăng, đây là một tổng thể kiến trúc rộng lớn, là nơi thờ tự các vua Trần.

Đây là nơi phát tích, dựng nghiệp vương triều Trần, nơi chứa đựng những dấu ấn lịch sử gắn chặt với triều đại nhà Trần. Các vua khai sáng nhà Trần đều được sinh ra tại đây, gia tộc nhà Trần dựa vào đây dấy nghiệp.

Đây cũng là nơi yên nghỉ của các liệt tổ nhà Trần, của Thái Tổ Trần Thừa và ba vị vua đầu triều Trần là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và một phần ngọc cốt của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Khi đã thành vương triều Trần, vùng đất này được chọn làm nơi xây dựng các đền thờ, lăng tẩm của Hoàng tộc nhà Trần.

Nơi đây có di chỉ khảo cổ mộ các vua Trần (xã Tiến Đức), khu lăng mộ thái sư Trần Thủ Độ, đình Khuốc, đình Ngừ thờ thái sư, mộ và đền thờ Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung (xã Liên Hiệp).

Tam đường là nơi lưu giữ hài cốt của các tổ tiên triều Trần như thủy tổ Trần Kinh, Thái tổ Trần Hấp, Nguyên tổ Trần Lý, Thái Thượng Hoàng Trần Thừa.

Các hoàng đế nhà Trần như Trần Thánh Tông, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông cùng các hoàng hậu sau khi qua đời đều được quy về hợp táng tại các lăng mộ có tên Thọ lăng, Chiêu lăng, Dự lăng, Quy Đức lăng.

[Nhiều hoạt động tại Lễ hội đền Trần Nam Định năm 2022]

Ngày 27/01/2014,theo Quyết định số 231 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lễ hội Đền Trần Thái Bình được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia với nhiều nghi lễ, phong tục độc đáo đậm nét văn hóa thời Trần như lễ rước nước, lễ giao chạ, thi cỗ cá thời Trần, các trò chơi dân gian, các điệu dân ca, dân vũ.

Lễ hội Đền Trần Thái Bình được tổ chức tại khu di tích Đền thờ và lăng mộ các vua Trần diễn ra từ ngày 13 đến ngày 18 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Lễ hội luôn có rất nhiều trò vui như chọi gà, đấu võ, thi thả diều, thi nấu cơm, rước kiệu.

Bên cạnh đó, hoạt động luôn thu hút được sự quan tâm của người dân và mang tính truyến thống còn có lễ rước nước để nhắc lại thuở xưa tổ tiên nhà Trần đều sống bằng nghề chài lưới, lênh đênh trên sông nước.

Lễ rước nước là hoạt động trước khi diễn ra lễ khai hội đền Trần. Quan trọng nhất trong lễ rước chính là việc lấy nước thánh, phải lấy ở ngã ba tam tỉnh nơi giao lưu của dòng sông Luộc gặp sông Hồng và sông Thái Bình rồi đổ ra biển Đông.

Cũng chính vì sự gắn bó với sông nước, nên các vị tổ tiên nhà Trần thường ghép tên mình với tên một loại cá như Trần Kinh nghĩa là cá Kình, Trần Hâp nghĩa là cá Trăm, Trần Lý: cá chép, Trần Thừa: cá Nheo, Trần Thị Dung: cá Ngừ.

Bên cạnh những trò chơi dân dã nói trên lễ hội còn tổ chức lễ tế mở cửa đền, lễ bái yết, tế mộ trong không khí linh thiêng tôn kính. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam thì triều Trần là vương triều giỏi sử dụng đánh thủy quân với những chiến thắng như trên sông Lục Đấu, trên sông Bạch Đằng đã được minh chứng.

Các phong tục trong lễ hội là những phong tục đẹp cần được bảo lưu và phát triển,hấp dẫn khách du lịch và cũng là sự thể hiện sâu sắc tinh thần uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của ông cha ta từ ngàn xưa truyền lại.

Khu Lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Trần đã được nhà nước xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ công nhận theo Quyết định số 2408- QĐ/TTg ngày 31/12/2014.

Nơi đây không chỉ thu hút các nhà nghiên cứu sử học, các nhà văn hóa, mà còn là một điểm du lịch có giá trị đặc biệt, là nơi liên quan đến cội nguồn dân tộc, luôn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến với Thái Bình.

Theo Kế hoạch số 170 về tổ chức Lễ hội đền Trần năm 2023 do Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành, lễ hội sẽ diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 3 đến 7/2/2023 (từc từ ngày 13 đến 17 tháng Giêng năm Quý Mão) tại Khu di tích lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà).

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình, Phó Trưởng ban thường trực Ban tổ chức lễ hội, Trưởng Tiểu ban nội dung cho biết theo kế hoạch của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình, khác với những năm trước, lễ hội do Ủy ban Nhân dân huyện Hưng Hà tổ chức năm 2023, sự kiện này lần đầu tiên được tổ chức quy mô cấp tỉnh, gắn với tôn vinh di sản lễ hội đền Trần là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Đền Trần Thái Bình: Tưởng nhớ, tri ân công lao bậc tiền nhân ảnh 2Chương trình nghệ thuật Hào khí Đông A. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Lễ hội nhằm tiếp tục khẳng định giá trị di sản văn hóa nhà Trần ở Thái Bình và thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước.

Lễ hội kết hợp hài hòa giữa tính truyền thống và hiện đại, thể hiện nét văn hóa đặc sắc của mảnh đất, con người Thái Bình và vùng đất Long Hưng-Hưng Hà; đồng thời tạo không khí vui tươi, phấn khởi dịp đầu Xuân mới.

Phần lễ gồm có các hoạt động như dâng hương tại lăng mộ các vua Trần; tế mở cửa đền; lễ dâng cặp bánh kỷ lục Việt Nam tại đền thờ các vua Trần; lễ rước thủy và rước bộ; lễ bái yết; trình diễn thư pháp hai câu thơ của vua Trần Nhân Tông.

Phần hội diễn ra với các nội dung như thi cỗ cá, thi pháo đất, thi gói bánh chưng, thi kéo lửa nấu cơm cần, giải võ cổ truyền tỉnh Thái Bình, triển lãm nhiếp ảnh mỹ thuật tỉnh Thái Bình mừng Đảng, mừng Xuân, giải kéo co huyện Hưng Hà, liên hoan văn nghệ quần chúng huyện Hưng Hà, Ngày Thơ Việt Nam.

Đáng chú ý, điểm nhấn của lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật hoành tráng, đặc sắc mang tên "Hào khí Đông A."

Tổng đạo diễn chương trình Mai Thanh Tùng cho biết “Hào khí Đông A” được dàn dựng công phu, trong đó sẽ có phóng sự phản ánh những hoạt động nghi lễ đã diễn ra trước đó như lễ dâng hương tại mộ, lễ tế mở cửa, lễ rước thủy, rước bộ; giới thiệu quy trình sản xuất cặp bánh kỷ lục lớn nhất Việt Nam, nghi lễ dâng hương, dâng bánh tưởng niệm các vị vua triều Trần.

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo của Ban Tổ chức hứa hẹn một mùa lễ hội thành công, mang đậm dấu ấn về mảnh đất và con người Thái Bình giàu truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Các đôi bò bứt tốc về đích. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Tưng bừng Hội đua bò Bảy Núi An Giang năm 2024

Tham gia Hội đua bò Bảy Núi năm nay có 64 đôi bò đến từ các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành, thị xã Tịnh Biên (An Giang) và các đôi bò đến từ huyện Giang Thành (Kiên Giang).

Festival Thu Hà Nội 2024

Festival Thu Hà Nội 2024

Với nhiều hoạt động sôi nổi, đầy màu sắc cùng giá trị truyền thống văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của mùa Thu Hà Nội, Festival Thu Hà Nội 2024 hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.