"Lễ hội truyền thống đền Bảo Hà 2016" sẽ diễn ra trong ba ngày

“Lễ hội truyền thống đền Bảo Hà 2016” sẽ diễn ra trong ba ngày, từ 17-19/8 tức ngày 15-17/7 Âm lịch, tại đền Bảo Hà (Lào Cai).
Dâng hương tại đền Bảo Hà. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Ông Phạm Văn Chiến - Trưởng ban quản lý di tích đền Bảo Hà cho biết, “Lễ hội truyền thống đền Bảo Hà 2016” sẽ diễn ra trong ba ngày (từ 17-19/8; tức ngày 15-17/7 Âm lịch) tại đền Bảo Hà (xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, Lào Cai).

Chương trình gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ sẽ được tổ chức với những nghi lễ truyền thống như: lễ rước kiệu, lễ dâng hương, lễ tế dân gian… Trong đó, lễ tế rước chính sẽ diễn ra vào sáng 19/8 (tức 17/7 Âm lịch).

Bên cạnh đó, phần hội kéo dài suốt ba ngày với nhiều hoạt động (chọi trâu, kéo co, trình diễn các loại hình nghệ thuật dân tộc…).

Điểm mới của lễ hội năm nay là chương trình nghệ thuật (20 giờ ngày 18/8) có sự góp mặt của nhiều nghệ sỹ nổi tiếng như: nghệ sỹ ưu tú Thu Huyền, nghệ sỹ ưu tú Hồng Liên, ca sỹ Việt Hoàn, danh hài Chiến Thắng, MC Lê Anh…

Năm 1997, đền Bảo Hà được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là ngôi đền thờ danh tướng Hoàng Bảy - một anh hùng miền sơn cước có công đánh giặc phương Bắc, bảo vệ bờ cõi.

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, vùng đất Bảo Hà (thuộc châu Văn Bản) có vị trí trọng yếu trong tuyến phòng thủ biên giới, là cửa trạm của phòng tuyến sông Hồng phía Tây Bắc.

Ở giai đoạn 1740-1786, châu Văn Bản thường bị giặc phương Bắc quấy nhiễu. Trước tình hình đó, triều đình cử viên tướng họ Nguyễn lên trấn thủ. Ông đã đưa quân đội tiến dọc sông Thao, đánh đuổi quân giặc, xây dựng Bảo Hà thành một căn cứ lớn.

Tại đây, ông tiếp tục xây dựng lực lượng, tiến đánh quân xâm lược ở địa phận Lào Cai, giải phóng các châu thuộc phủ Quy Hóa (thuộc địa bàn hai tỉnh Lào Cai, Yên Bái ngày nay).

Sau đó, giặc phương Bắc tiếp tục sang xâm lược bờ cõi nước ta. Trong một trận chiến không cân sức, ông đã tử trận. Xác ông trôi theo sông Hồng đến Bảo Hà. Nhân dân trong vùng đã vớt xác ông lên chôn cất và lập miếu thờ.

Để ghi nhớ công lao của danh tướng này, các vua triều Nguyễn sắc phong ông là Thần Vệ Quốc. Đồng bào các dân tộc Kinh, Tày… thờ ông như một vị nhân thần.

Lễ hội truyền thống đền Bảo Hà được tổ chức hàng năm, chính hội là ngày mất quan Hoàng Bảy (17/7 Âm lịch) nhằm tưởng nhớ công lao của ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục