Ngày 18/3, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức trang trọng lễ tế Xã Tắc tại Đàn Xã Tắc (thành phố Huế), thu hút đông đảo nhân dân và khách du lịch tham dự.
Lễ tế Xã Tắc của triều Nguyễn ở Cố đô Huế đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nghiên cứu, phục dựng và tổ chức vào mùa Xuân hàng năm.
Lễ tế gồm có hai phần. Phần đầu mang tính tâm linh thuần túy, phần sau tái hiện nghi lễ truyền thống (có tính chất trình diễn) và dành cho mọi người dâng hương.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết việc phục hồi hồi lễ tế Xã Tắc nhằm gìn giữ nghi lễ truyền thống mang đậm bản sắc nhân văn - một nghi lễ cung đình tiêu biểu của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước Việt Nam, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm, thiên hạ thái bình.
Bên cạnh đó, việc tái hiện, phục hồi nghi lễ cũng tạo điều kiện để các hình thức diễn xướng truyền thống cung đình Huế, đặc biệt là các giá trị văn hóa phi vật thể được tái hiện và phát huy trong đời sống văn hóa hôm nay.
Đàn Xã Tắc được xây dựng vào năm 1806 sau khi vua Gia Long quy hoạch lại toàn bộ Kinh thành trên đất của tám làng ở bờ bắc sông Hương.
Khi xây dựng, vị vua đầu triều nhà Nguyễn đã lệnh cho các thành, dinh, trấn toàn quốc phải đóng góp đất sạch về để đắp lên ngôi đàn này, vì thế mà nó mang một ý nghĩa đặc biệt linh thiêng. Đàn là nơi nhà vua cúng tế Xã (thần Đất) và Tắc (thần Lúa).
Theo quan niệm của người xưa, Xã là thần lớn nhất trong năm vị thần, Tắc là loại quý nhất trong ngũ cốc. Tắc mà không có Xã sẽ không sinh trưởng được. Xã mà không có Tắc sẽ hoang vu. Hiệp tế Xã-Tắc là công lợi ngang nhau. Vì thế, từ thời Nguyễn, lễ tế Xã Tắc luôn được xếp vào hàng Đại tự (chỉ đứng sau lễ tế Nam Giao)./.