Lê Thúy Hằng và hành trình vượt lên sự tự ti để sống cống hiến vì cộng đồng

Suốt hơn 10 năm học phổ thông, Hằng sống trong tự ti khi bị bạn bè trêu chọc bằng biệt danh "Hằng thọt", thu mình lại vì những ánh mắt kỳ thị. Nhưng cô gái nhỏ đã quyết tâm nỗ lực vươn lên.
Chị Lê Thúy Hằng (đứng bên phải Thủ tướng Phạm Minh Chính) trong buổi gặp mặt và đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với thanh niên. (Ảnh: NVCC)

“Lần đầu tiên tôi cảm nhận được về sự thiếu may mắn của mình là những ngày đầu cắp sách đến trường, khi bị các bạn gọi với biệt danh ‘Hằng thọt’. Đỉnh điểm là lần đầu tiên tôi mặc chiếc váy yêu thích mẹ tặng đến trường, vừa nhìn thấy tôi, đám bạn đã hò hét: A ha, hôm nay bạn Hằng thọt mặc váy đi học các bạn ơi! Đấy cũng là lần cuối cùng tôi mặc váy trong suốt hơn 15 năm sau đó,” chị Lê Thúy Hằng, Phó ban thanh niên Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội Người khuyết tật Phường Cống Vị bùi ngùi kể.

Hơn 10 năm sống trong tự ti, mặc cảm

Bị dị tật ở chân nhưng Hằng cho hay trước khi đến trường, chị luôn là cô bé vui vẻ, vô tư trong sự yêu thương vô bờ bến của gia đình. Nhưng những lời trêu đùa của bạn bè đã khiến cô bé Hằng ngày càng tự ti, mặc cảm về bản thân. Mỗi lần ra đường, Hằng không dám nhìn xung quanh bởi rất sợ những ánh mắt dò xét của mọi người, sợ cả những cái nhìn thương hại.

“Tôi tự khép mình lại, trở thành con người rụt rè, ngại giao tiếp. Cũng vì thế mà tôi không có nhiều bạn. Mặc dù bị xa lánh, bị nhiều ánh mắt kì thị từ những người xung quanh, nhưng tình yêu thương từ bố mẹ, thầy cô và từ những người bạn thân ít ỏi của mình đã giúp tôi thêm động lực để tiếp tục sống,” Hằng chia sẻ.

Tự ti, ngại giao tiếp và ít bạn bè, Hằng dành toàn bộ thời gian của mình cho việc học. Trong suốt 12 năm học phổ thông, Hằng luôn là một trong những học sinh khá giỏi tốp đầu của lớp. Hằng cũng là 1 trong 3 học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó dành được học bổng từ Quỹ học bổng của Nhật. Cô gái nhỏ nhận ra tri thức chính là con đường duy nhất để khẳng định bản thân, để chứng minh cho mọi người thấy một người khuyết tật cũng có thể sống tự lập và trở thành người có ích cho xã hội, không phải là gánh nặng cho gia đình. Hằng bắt đầu nuôi ước mơ không chỉ có thể nuôi sống được bản thân mà còn phụ giúp bố mẹ.

Sau bao năm sống tự ti và mặc cảm, Hằng xin bố mẹ thi vào đại học với quyết tâm bước ra khỏi vùng an toàn, bước ra khỏi sự chở che của gia đình, để bản thân trở nên mạnh mẽ hơn.

Rời vùng quê Hải Hậu, Nam Định, Hằng khăn gói lên Thủ đô. Suốt ba năm học khoa Kế toán, hệ cao đẳng của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Hằng đều giành được học bổng cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc. Tốt nghiệp cao đẳng, Hằng tiếp tục học lên đại học nhưng kiên quyết không trở thành gánh nặng cho gia đình, Hằng vừa học vừa làm để tự chi trả toàn bộ học phí và sinh hoạt phí.

Hành trình tìm việc với hầu hết sinh viên vừa tốt nghiệp nào cũng thật gian nan, với một người khuyết tật như Hằng, hành trình ấy còn gian nan hơn nữa. Nộp hồ sơ vào các công ty tuyển nhân viên hành chính văn phòng, kế toán, nhưng không nơi nào gọi phỏng vấn - nỗi tự ti ngày nào lại dấy lên trong lòng Hằng. Nhờ một người bạn kết nối, Hằng được giới thiệu tuyển vị trí nhân viên thu ngân cho một cơ sở siêu thị mini.

Chị Lê Thúy Hằng (mặc áo dài) đã nỗ lực vượt qua khó khăn của bản thân để vươn lên. (Ảnh: NVCC)

“Câu hỏi duy nhất trong cuộc phỏng vấn là: Em có thực sự làm được không? - Tôi dứt khoát: “Em làm được! Mong anh chị cho em một cơ hội! Có lẽ, chính sự dứt khoát đó giúp tôi được nhận,” Hằng chia sẻ.

Niềm vui có việc làm khiến Hằng háo hức đến mất ngủ cả đêm. Khát khao làm việc để có thể tự nuôi sống, nuôi giấc mơ đại học và khẳng định bản thân, Hằng đã làm việc như một con ong chăm chỉ, được đánh giá cao và được cất nhắc lên vị trí quản lý, chịu trách nhiệm nhập hàng hóa - khi cửa hàng mở rộng quy mô, gia tăng nhân sự. Hàng ngày, cô gái nhỏ bé chỉ vỏn vẹn 40kg với đôi chân tập tễnh yếu ớt vẫn đi xa hơn chục cây số nhập hàng với khối lượng nặng gấp 2-3 lần cân nặng của mình.

“Tôi cứ lao vào vòng xoáy sáng đi làm - tối đi học - đêm ôn bài. Khi đến kỳ thi, nhiều đêm tôi không ngủ thức đến sáng ôn bài, rồi đi làm mà không thấy mệt - bởi tôi thấy hạnh phúc và tự hào về bản thân, về những nỗ lực của chính mình. Tôi đã làm được, đã có thể tự nuôi sống được mình. Cố lên một chút nữa thôi, tôi sẽ hoàn thành được ước mơ. Đây cũng là bước ngoặt thứ 2 trong cuộc đời tôi,” Hằng chia sẻ.

Hết mình hỗ trợ cộng đồng

Chị Hằng bảo bước ngoặt thứ ba trong cuộc đời là khi tham gia Hội Người khuyết tật quận Ba Đình để có thể hỗ trợ cho cộng đồng, cũng là điều Hằng đã ấp ủ khi dùng tất cả sức mạnh để bước chân ra khỏi vùng an toàn. Gặp gỡ nhiều hoàn cảnh, Hằng nhận ra mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người và cần có trách nhiệm hơn để hỗ trợ cho những mảnh đời bất hạnh.

Hằng xung phong tham gia mọi hoạt động của hội, từ đào tạo dạy nghề, tập huấn các kỹ năng dành cho người khuyết tật... Với sự tích cực trong các hoạt động, Hằng được đề bạt làm chủ tịch Hội Người khuyết tật phường Cống Vị, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật, chủ nhiệm Câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật quận, Ủy viên thường trực Hội người khuyết tật quận, Phó ban thanh niên Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội.

Chị Lê Thuý Hằng (mặc áo dài vàng) tổ chức thăm khám và tặng quà cho người khuyết tật. (Ảnh: NVCC)

Với các vai trò trên, Hằng cùng Hội Người khuyết tật đã tổ chức nhiều buổi chia sẻ với các thanh niên khuyết tật trên địa bàn với các chủ đề thiết thực như toạ đàm về dạy nghề và việc làm cho người khuyết tật, giải pháp chuyển đổi số để đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng và phát triển cho người khuyết tật, tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng sử dụng phần mềm phục vụ công việc online, huấn về kỹ năng viết và thuyết trình, đào tạo photoshop và dán nhãn dữ liệu.... Những buổi chia sẻ đã giúp cho người khuyết tật thêm tự tin để tìm cơ hội cho bản thân, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.

Càng chia sẻ, càng thấu hiểu và đồng cảm với những khó khăn của người khuyết tật, Hằng đã đề xuất và tổ chức các chương trình hỗ trợ học nghề, tặng quà cho gia đình người khuyết tật khó khăn, tổ chức khám chữa bệnh cho người khuyết tật. Hằng cũng tập trung hướng đến hỗ trợ trẻ khuyết tật với việc vận động quỹ học bổng “Chắp cánh ước mơ” tặng học bổng cho trẻ em khuyết tật và con em người khuyết tật, tổ chức các hoạt động để mọi người hiểu hơn về những thiệt thòi của người khuyết tật, để không còn trẻ khuyết tật nào phải chịu tổn thương về mặt tinh thần như cô bé “Hằng thọt” khi xưa.

Vừa đi làm, vừa quán xuyến gia đình, vừa tham gia hỗ trợ cộng đồng khiến quỹ thời gian của Hằng trở nên vô cùng hạn hẹp, chị cho hay luôn phải cố gắng cân bằng để hoàn thành tốt công việc ở mỗi vai trò, tranh thủ các buổi tối, sau khi các con ngủ, để tìm hiểu và nghiên cứu thêm các chương trình phù hợp với người khuyết tật, từ đó lên kế hoạch tổ chức các hoạt động.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, vượt lên những khó khăn, thiệt thòi của bản thân để không chỉ có cuộc sống tốt cho chính mình mà còn cống hiến hết mình cho cộng đồng, Lê Thuý Hằng đã được nhận nhiều giấy khen cấp quận và thành phố Hà Nội. Chị là 1 trong 400 thanh niên tiêu biểu, đại diện cho hơn 2 triệu thanh niên Việt Nam tham gia chương trình Đối thoại cùng Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam các năm 2023, 2024. Mới đây, Lê Thúy Hằng cũng được lựa chọn là một trong 38 gương mặt thanh niên khuyết tật được vinh danh trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức.

“Trong cuộc gặp năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính ân cần hỏi thăm và động viên: “Cố lên các cháu, cộng đồng đang cần mình!” Câu nói của Thủ tướng nhắc nhở tôi cần phải phấn đấu và cống hiến hơn nữa trong sự nghiệp hỗ trợ cộng đồng. Tôi luôn muốn dốc hết sức trẻ và nhiệt huyết của mình dành cho các hoạt động của thanh niên, đặc biệt là thanh niên khuyết tật. Tôi cũng mong muốn một ngày gần nhất sẽ được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được Đảng soi sáng trên các hành trình tiếp theo,” chị Hằng nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục