Khi Aaron Huang, một sinh viên Trung Quốc 23 tuổi bắt đầu hành trình tìm kiếm một chiếc điện thoại Android thay cho chiếc iPhone vào tháng 4 năm nay, anh ta đã phải đối mặt với một “rừng” quảng cáo, lôi kéo từ các điện thoại trong nước, trong đó có Huawei.
Các chiến dịch quảng cáo của Huawei và từ các nhà bán lẻ địa phương hỗ trợ cho thương hiệu này có ở khắp mọi nơi.
Huang cho biết anh ta bị ảnh hưởng bởi các phương tiện truyền thông trong nước miêu tả Mỹ có những hành động không công bằng nhằm vào gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại.
“Tôi cảm thấy như mình nên chọn Huawei,” anh Huang ấy nói.
Sự quảng cáo rầm rộ và tinh thần yêu nước đã được Huawei tận dụng triệt để, khuếch trương thương hiệu trên thị trường nội địa giữa lúc Mỹ cấm bán các linh kiện và phần mềm cho hãng công nghệ Trung Quốc.
Công ty nghiên cứu Canalys cho biết các lô hàng điện thoại thông minh trong quý 2 cung ứng ra thị trường Trung Quốc của Huawei đã tăng gần một phần ba so với cùng kỳ năm trước, với thị phần tăng 10,6 điểm phần trăm lên mức kỷ lục 38%. Trong khi đó, thị phần của Apple và các đối thủ đồng hương tại Trung Quốc đã giảm mạnh.
Một nguồn tin từ Huawei cho biết hãng này cũng đã nâng mục tiêu bán hàng tiêu dùng tại Trung Quốc.
Một số nguồn tin khác cho biết trong nội bộ Huawei, các nhân viên gọi các chiến lược hiện tại của hãng là “Chế độ chiến đấu,” và hãng đã đẩy mạnh việc mở các cửa hàng mới, các trung tâm trải nghiệm theo phong cách các cửa hàng Apple.
Các nhà phân tích cho biết Huawei cũng đã chuyển khối lượng điện thoại tồn kho chưa bán được từ các khu vực khác sang Trung Quốc và thậm chí còn tung ra một số chương trình giảm giá hiếm hoi ở thị trường trong và ngoài nước nhằm bù đắp doanh số giảm ở châu Âu và Mỹ.
Huawei từ chối bình luận về những nhận định trên và khẳng định hãng này không cố gắng kinh doanh dựa trên lòng yêu nước./.