Theo báo cáo công bố ngày 25/11 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), các lệnh phong tỏa của Israel đã gây thiệt hại cho nền kinh tế tại Dải Gaza của Palestine tới 16,7 tỷ USD trong hơn một thập kỷ qua.
Khu vực duyên hải này đã chịu lệnh phong tỏa của Israel kể từ năm 2007 - thời điểm phong trào Hồi giáo Hamas bắt đầu kiểm soát nơi đây. Trong 11 năm sau đó, tình hình kinh tế tại Dải Gaza xấu đi nghiêm trọng.
Theo báo cáo trên, từ năm 2007 đến năm 2018, "thiệt hại kinh tế tích lũy ước tính do sự chiếm đóng của Israel ở Gaza cùng với lệnh phong tỏa kéo dài, những hạn chế về giao thương và đi lại cũng như các hoạt động quân sự lên tới 16,7 tỷ USD."
Con số này cao gấp 6 lần giá trị tổng sản lượng kinh tế của của Dải Gaza trong năm 2018, hay 107% tổng GDP của Palestine, bao gồm cả Bờ Tây.
[Việt Nam kêu gọi hỗ trợ người dân Palestine vượt qua khủng hoảng]
Báo cáo trên cho biết tăng trưởng kinh tế của Dải Gaza đã suy giảm 5% trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2018. Đồng thời, GDP bình quân đầu người của khu vực này giảm 27% và tỷ lệ thất nghiệp tăng 49%.
UNCTAD nhấn mạnh "Nhu cầu cấp bách về chấm dứt lệnh phong tỏa tại Dải Gaza để người dân có thể tự do hoạt động thương mại với phần còn lại của lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng và với thế giới.”
Ông Richard Kozul-Wright - Giám đốc phụ trách vấn đề toàn cầu hóa và chiến lược phát triển của UNCTAD, cho biết: "Nếu không có sự mở cửa để tạo điều kiện cho nền kinh tế chính thức hơn sẽ rất khó để có thể nhìn thấy bất cứ điều gì, ngoại trừ sự kém phát triển tại Dải Gaza. Đây thực sự là vấn đề gây sốc trong thế kỷ 21, khi hai triệu người có thể bị bỏ mặc trong tình trạng đó"./.