Liên hợp quốc vừa cảnh báo châu Âu đang trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng di cư mới thời hậu Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu-EU) và đưa ra lời kêu gọi các nước châu Âu không nên "co cụm lại sau bức tường biên giới của mình."
Theo báo cáo của cơ quan phụ trách vấn đề di cư quốc tế của Liên hợp quốc, từ đầu năm đến nay, 95.000 người từ châu Phi đã vượt qua Địa Trung Hải để tới Italy.
Tổ chức này dự báo sẽ có một làn sóng mới khoảng 170.000 người di cư đến châu Âu vào thời gian tới, thời điểm phù hợp nhất cho việc thực hiện các chuyến vượt đại dương, bất chấp thực tế có hàng nghìn người thiệt mạng do bị đắm tàu.
Hiện đã có 140.00 người di cư, chủ yếu đến từ Libya, đang sống trong trại tị nạn ở miền Nam Italy, gây nhiều khó khăn cho nước này.
Đặc phái viên Liên hợp quốc về di cư quốc tế Peter Sutherland cho rằng châu Âu cần có một chính sách chung đối với vấn đề khủng hoảng di cư.
Các nước châu Âu không thể chỉ biết bảo vệ chặt chẽ cửa ngõ biên giới của mình mà không chịu hợp tác cùng nhau để có một chính sách chung của toàn châu lục đối với vấn đề này.
Nếu các nước châu Âu trở lại với chủ nghĩa dân tộc của mình sẽ chỉ làm cho việc đối phó với vấn đề khủng hoảng di cư đến châu lục càng thêm rắc rối.
Theo ông Sutherland, những thỏa thuận mà EU đã có với Thổ Nhĩ Kỳ trước đây nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư thực sự đã không ngăn cản được dòng người di cư đến từ Libya.
Ông Sutherland cũng đã lên tiếng bảo vệ quan điểm của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker khi cho rằng việc các nước EU thực hiện chính sách không biên giới trong nội khối là một thành công vô cùng quan trọng và coi việc đặt ra đường biên giới giữa các quốc gia trong châu Âu là "một can thiệp tồi tệ nhất"./.